Trong điều kiện thị trường khó khăn kéo dài, đã xuất hiện nhiều rủi ro lấn át những lợi ích mà thị trường có thể mang lại. Đặc biệt là rủi ro bị thâu tóm do giá cổ phiếu xuống thấp.
Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa (VCF) sau khi đăng ký niêm yết vào tháng 11.2010 đã xin rút hồ sơ niêm yết vào ngày 8.12.2010. Tuy nhiên, sau đó, VCF cũng đã niêm yết lại vào cuối tháng 1.2011. Ngoài VCF, chỉ có Công ty Đầu tư & Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long (CCL) và Khoáng sản Lào Cai (KSL), sau khi rút hồ sơ với lý do hoàn thiện giấy tờ, đã thực hiện lời hứa niêm yết trở lại trong năm 2011. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào rời sàn cũng thực hiện đúng lời hứa trước đó.
Tính từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7.2011, có đến 5 doanh nghiệp xin hủy niêm yết. Đó là Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (SQC), Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), Thực phẩm Quốc tế (IFS), Xây dựng số 11 (V11) và Hóa Dược phẩm Mekophar (MKP).
Đằng sau những lý do
Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp muốn rời sàn. Ông chủ của SQC và SGT cho rằng họ khó huy động vốn qua kênh chứng khoán và việc giá cổ phiếu suy giảm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. V11 thì rời sàn để tái cấu trúc. Còn một số khác cho rằng điều kiện thị trường không thuận lợi.
Lý do doanh nghiệp đưa ra là vậy, còn nguyên nhân thật sự là gì? Trên thế giới, niêm yết trên những sàn chứng khoán lớn như LSE (London, Anh), NYSE (New York, Mỹ) là rất khó nên không có ai muốn hoặc không đến nỗi phải rút niêm yết. Ở Việt Nam, sàn HoSE được xem là sàn danh giá vì điều kiện niêm yết rất chặt chẽ và khó hơn sàn HNX hay UPCoM. Đó là chưa kể khi niêm yết lại, doanh nghiệp phải bắt đầu từ con số không về quy trình, chi phí và niềm tin thị trường. Nói cách khác, việc rút niêm yết là chuyện cực chẳng đã.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia chứng khoán, nhận xét: “Hủy niêm yết là chuyện chẳng đặng đừng của doanh nghiệp trong điều kiện lực cầu trên thị trường rất yếu”. Nhiều doanh nghiệp theo lộ trình đến ngày lên sàn, nhưng sau đó đành chấp nhận rút niêm yết vì thị trường không thuận lợi.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, trong điều kiện thị trường khó khăn kéo dài, đã xuất hiện nhiều rủi ro lấn át những lợi ích mà thị trường chứng khoán có thể mang lại. “Rủi ro đầu tiên đe dọa doanh nghiệp là nguy cơ bị thâu tóm do giá cổ phiếu xuống thấp”, ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nhận xét.
Ngoài ra, trong thị trường giá xuống, thay vì quảng bá cho mình, doanh nghiệp có thể làm hại chính mình vì thị giá thấp hơn giá trị nội tại. Để tránh các nguy cơ này và tranh thủ củng cố lực lượng, một số doanh nghiệp chọn giải pháp rời sàn.
Có thể thấy hầu hết các doanh nghiệp xin hủy niêm yết đều có điểm chung là vốn ít, hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật trong khi thanh khoản cổ phiếu kém.
Chẳng hạn, vốn chủ sở hữu của V11 chỉ xấp xỉ 133 tỉ đồng, IFS là 153 tỉ đồng… Bên cạnh đó, giao dịch cổ phiếu cũng không tạo được sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Giá V11 chốt tại ngày 14.7 là 3.800 đồng/cổ phiếu, mã IFS là 8.300 đồng/cổ phiếu. Tình trạng không có giao dịch hay lác đác dưới 100 đơn vị/phiên là chuyện diễn ra thường xuyên ở 2 mã này. Sau khi công bố thông tin xin hủy niêm yết, V11 đã có tới 6 phiên giảm sàn (29.6-6.7), IFS cũng có 6 phiên nằm sàn (7-14.7).
Lợi nhuận của các công ty xin rời sàn cũng không mấy khả quan. Lợi nhuận sau thuế của SGT năm 2010 chỉ đạt 32,4 tỉ đồng. Nếu so với các mức lợi nhuận 80,9 tỉ đồng năm 2009, 73,4 tỉ đồng năm 2008 và 136,6 tỉ đồng năm 2007 thì lợi nhuận năm 2010 của công ty này đã giảm khá nhiều.
Đối với V11, lợi nhuận sau thuế năm 2010 giảm gần 40% so với năm 2009. Sự sụt giảm mạnh này chủ yếu đến từ giá vốn quá cao. Giá vốn hàng bán của V11 trong 4 năm liên tiếp (2007-2010) đều chiếm trên 92% doanh thu, nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn lại không nhiều.
Các doanh nghiệp hủy niêm yết còn vì muốn gỡ khó trong hoạt động kinh doanh như trường hợp của MKP. MKP bị vướng nguyên tắc “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” (vì có 4,7% vốn nước ngoài). Do đó, MKP không được đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh mới là “bán buôn, bán lẻ dược phẩm”. Điều này không công bằng đối với MKP khi hầu hết các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết khác đều được phép bán buôn, bán lẻ dược phẩm mặc dù vẫn có cổ đông nước ngoài.
Ý định của MKP là hủy niêm yết để đưa hết cổ đông ngoại ra khỏi Công ty bằng cách thương lượng, sau đó đăng ký thêm ngành nghề mới là bán buôn, bán lẻ dược phẩm.
Lợi ít, hại nhiều
Nhìn sang thị trường nhiều nước trên thế giới có thể thấy rằng việc hủy niêm yết là chuyện bình thường. Theo kinh nghiệm của ông Giang, thuộc HSC, trong giai đoạn mới thành lập của thị trường chứng khoán Đông Âu, các doanh nghiệp đã rút niêm yết hàng loạt và kết quả là thị trường đã phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, việc rút niêm yết cũng như niêm yết phải đúng thời điểm. Còn khi đã niêm yết, nhất là trên sàn HoSE, mà rời sàn thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn sau này.
Ở góc độ thị trường, doanh nghiệp hủy niêm yết sẽ gây thiệt hại quyền lợi của cổ đông nhỏ (mặc dù trên thế giới hủy niêm yết là bình thường, nhưng ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ khi doanh nghiệp hủy niêm yết).
Mặt khác, hủy niêm yết đồng nghĩa doanh nghiệp đó sẽ là doanh nghiệp đại chúng giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC). Trong khi đó, “thị trường OTC hiện nay gần như đóng băng, tức là cổ đông thì không bán được cổ phiếu, còn doanh nghiệp cũng tắc đường huy động vốn qua thị trường này”, ông Giang cho biết.
Ông Hiển thì cho rằng hủy niêm yết tức là doanh nghiệp thừa nhận mình thất bại. Điều này vô tình đánh mất hình ảnh và vị thế gầy dựng được bấy lâu nay, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư. Sau này dù doanh nghiệp có niêm yết lại, cũng khó được nhà đầu tư dành trọn niềm tin. Đó là chưa nói đến việc doanh nghiệp đó phải làm lại tất cả thủ tục niêm yết và tốn kém thêm một khoản phí tư vấn nữa.
Một chuyên gia chứng khoán (không muốn nêu tên) cho rằng thay vì quyết định rời sàn, doanh nghiệp nên tìm cách khắc phục vướng mắc. Chẳng hạn như việc MKP muốn rời sàn vừa qua. Theo vị này, tốt hơn hết là MKP nên đi gặp các cơ quản lý để tháo gỡ khó khăn chứ không nên quyết định hủy niêm yết.