Bộ này lý giải do tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả năng đưa vào vận hành trong các năm 2018-2020 chỉ đạt 8.900 MW, bằng 60% khối lượng dự kiến theo quy hoạch, nên để có đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng giai đoạn 2018-2020 buộc phải mua điện từ các nước trong khu vực như Lào, đặc biệt là Trung Quốc.
Vấn đề ở chỗ, mua điện của Trung Quốc với giá cao nhưng Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lại ép giá chỉ bằng 1/2 đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong nước. Thí dụ, tỉnh Lào Cai có hơn 30 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, với quy mô dưới 30MW mỗi nhà máy, đã đi vào hoạt động, hầu hết là của tư nhân.
Các nhà máy đều cho sản lượng tốt, nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên, trong khi EVN vẫn mua điện của Trung Quốc với giá cao 1.500-1.600 đồng/kW nhưng lại ép giá các nhà máy thủy điện này chỉ bằng một nửa, ở mức 800-900 đồng/kW. Lợi nhuận thấp khiến các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa sống dở chết dở, đã trót đầu tư nên chẳng biết làm thế nào.
Hoặc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) phản ánh tình trạng ế điện do EVN mua không đủ điện theo kế hoạch, trong khi vẫn mua đủ điện của các nhà đầu tư BOT và mua từ Trung Quốc.
Việc EVN thu mua điện với giá thấp cùng nhiều điều kiện ngặt nghèo trong khi mua điện của Trung Quốc với giá cao và có xu hướng tăng nhanh những năm gần đây, vừa khiến doanh nghiệp nội thiệt thòi, người tiêu dùng thiệt hại khi giá mua điện cao sẽ bị tính vào giá thành.
Hậu quả là điện nội địa giá rẻ, có khi dư thừa nhưng lại nhập một lượng lớn điện từ Trung Quốc với giá cao để “cân đối cung – cầu”, làm méo mó thị trường điện. Điều này, một mặt chứng tỏ khả năng điều tiết thị trường của EVN, khả năng dự báo nhu cầu điện và năng lực sản xuất điện trong nước đang có nhiều vấn đề. Mặt khác càng chứng tỏ tính độc quyền mặt hàng điện hiện nay của EVN. Và như vậy người tiêu dùng không thể hy vọng giá điện ở Việt Nam sẽ rẻ hơn.
Trong điều kiện của những năm trước đây khi nguồn cung điện trong nước còn hạn chế, việc mua điện Trung Quốc là giải pháp cần thiết để giải bài toán cân đối cung cầu điện. Thực tế, nhiều năm qua, Việt Nam mua sản lượng điện lớn từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu trong nước, có thời điểm lên tới 4,65 tỷ KWh, chiếm 4% tổng sản lượng điện thành phẩm của Việt Nam.
Nhưng đến nay, khi hàng loạt dự án điện đang “bày” ra trước mắt, tại sao không tìm cách tháo gỡ, đốc thúc tiến độ thực hiện để có nguồn cung cấp cho nhu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, các nhà máy điện nội địa đang hoạt động cũng mới sử dụng khoảng 70-80% công suất thiết kế, với giá điện còn rẻ hơn của Trung Quốc. Nhất là khi sắp tới đây, sẽ có thêm hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời được trình, duyệt và xây dựng theo đúng xu thế chung của thế giới.
Thương mại Việt Nam đã phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, nay lại tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc sẽ làm tăng sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Đây là điều cần phải xem xét, tính toán thận trọng.
Cũng cần nhắc lại rằng năm 2016 EVN đã tiết giảm nhập khẩu điện từ Trung Quốc, chỉ còn chiếm 1,38% tổng lượng điện mua và sản xuất. Việc giảm nhập khẩu điện Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước ta có kế hoạch hạn chế phụ thuộc vào điện mua từ nước ngoài. Thay vào đó, tập đoàn này khai thác tối đa nguồn điện sản xuất, mua từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, dầu…
Lãnh đạo EVN lúc bấy giờ còn khẳng định việc mua điện của nước ngoài là bất khả kháng vì để xây dựng một nhà máy điện cần rất nhiều thời gian, trong khi mạng lưới điện áp cần ổn định, đảm bảo.
Tuy nhiên, khi có đường điện mới, Việt Nam có thể không cần dùng điện của Trung Quốc. Vậy mà chỉ 2 năm sau, cũng EVN lại cho rằng để giải quyết tình trạng thiếu điện trong những năm tới phải tăng cường nhập khẩu điện, đặc biệt là mua điện từ Trung Quốc!?