Doanh nghiệp lỗ, cổ phiếu tăng giá
Thống kê trong số những doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2011, toàn thị trường có khoảng trên 50 doanh nghiệp bị lỗ. Khá nhiều doanh nghiệp lỗ triền miên năm này qua năm khác. Tuy nhiên, việc làm ăn lỗ lãi của doanh nghiệp chưa hẳn đã phản ánh vào giá cổ phiếu.
Điển hình nhất về doanh nghiệp lỗ nặng liên tục nhiều quý gần đây mà giá biến động rất bất thường là VSP trên sàn Hà Nội. VSP có mức lỗ trong 6 tháng đầu năm 2011 là 235,7 tỷ đồng. Sau soát xét, công ty mẹ VSP lỗ thêm cả 17 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2011. VSP cũng là doanh nghiệp lỗ liên tiếp trong hai năm liền trước. Năm 2009, công ty này báo lỗ 359,6 tỷ đồng và 2008 là âm 781 triệu đồng. Chính lý do lỗ lại là “động lực” khiến giá VSP có mức tăng khoảng 158% trong 21 phiên vừa qua. Điều gì tạo nên sự ngược đời như vậy với cổ phiếu của một doanh nghiệp lỗ. Trong giới đầu tư, gần như ai cũng biết VSP chắc chắn có “đội lái” đánh lên. Việc tăng nóng liên tục bất chấp thông tin đã là bản chất của VSP. Nếu giá VSP tăng nhờ tin tốt thì mới là lạ. Việc giám sát khả năng làm giá ở VSP xin nhường cho cơ quan quản lý. Cũng nên
biết rằng năm nào VSP cũng có tình trạng như vậy mà vẫn chưa bị xử lý. Có thể các đội lái hành động quá kín, nhưng cũng có thể năng lực giám sát chưa tới. Chỉ biết rằng, từ lâu giới đầu cơ đã kháo nhau: Một năm chỉ cần “chén” đủ một sóng của VSP là có thể nghỉ ngơi. Tâm lý đó đã ăn khá sâu vào “máu” của nhiều nhà đầu cơ nên việc đu sóng VSP là rất phổ biến. Rất có thể ban đầu VSP được chất khối lượng mua lớn để đẩy lên, nhưng sau đó là cầu thật vì nhiều nhà đầu tư khác cũng đu vào theo. Bài học về những “quả bom” như vậy đã có rất nhiều và ai cũng biết, chỉ có điều người nào cũng mong mình kịp chuyền tay “quả bom” đó trước khi nó nổ. Thực tế đã chứng minh luôn có những người bị dính “bom”, dù nó nổ tại bất kỳ thời điểm nào.
Nên để thị trường tự xử lý?
Việc giải quyết nghịch lý nói trên cũng gây nhiều tranh cãi. Từ góc độ quản lý, đương nhiên cơ quan quản lý sẽ phải thực hiện giám sát khả năng làm giá vi phạm pháp luật. Thời gian gần đây khá nhiều trường hợp làm giá đã bị phát hiện, thậm chí cả những trường hợp dùng vài chục tài khoản để mua bán chéo, tạo cầu ảo. Tuy nhiên riêng với trường hợp của VSP, tuyệt nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có phát hiện nào về khả năng làm giá. Điều đó có nghĩa là VSP thực sự tăng một cách tự nhiên? Có điều rất đáng ngờ trong khả năng này.
Trong khi những cổ phiếu thực sự tốt chỉ tăng được 20-30% dù là sóng mạnh, VSP vẫn có thể tăng gấp đôi, gấp rưỡi là bình thường. Hiếm có một cổ phiếu nào trong thị trường bình thường lại có khả năng đem lại lợi nhuận như vậy. Do vậy giới đầu tư gần như chắc chắn tin vào việc có “đội lái” tham gia, nhưng từ góc độ quản lý, điều cần là bằng chứng cụ thể. Không tìm được bằng chứng thì rất khó xử lý. Do đó, có quan điểm cho rằng những trường hợp như VSP nên để thị trường tự xử lý.
Sự khắc nghiệt của thị trường luôn tạo nên những bài học xương máu cho nhà đầu tư. Sẽ có nhiều người thắng lợi và sẽ có nhiều người mất mát. Tuy nhiên điều đáng bàn là lòng tham trên thị trường quá lớn và quá nhiều người sẵn sàng lao vào đánh cược với rủi ro, bất chấp những bài học xương máu đó.