Được ban hành và có hiệu lực ngay lập tức vào ngày 17/10/2017, Nghị định 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô được cho là tín hiệu vui, giúp tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô – vốn có đóng góp lớn cho ngân sách, giải quyết cho hàng trăm nghìn lao động hiện nay.
FDI “tung chiêu”
Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, đã xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều xung quanh hiệu lực này. Đặc biệt sau khi Thông tư 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô ngoại nhập, có hiệu lực.
Căng thẳng tới mức, Chính phủ sau đó đã phải tổ chức cuộc họp bàn, thảo luân, lắng nghe các phản ánh của doanh nghiệp liên quan đễn Nghị định 116 và Thông tư 03. Cuộc họp diễn ra suốt 3 giờ đồng hồ liên tục mà không giải lao và chưa ngã ngũ với những ý kiến phản bác liên tục được đưa ra giữa các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất nội địa và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.
Theo đó, luồng ý kiến thứ nhất gồm các doanh nghiệp nhập khẩu xe, bảo vệ quan điểm cho rằng Nghị định 116 “dựng rào” chặn đường ô tô nhập khẩu. Nói như ông Toru Kinoshita- Chủ tịch VAMA:“Nghị định 116 làm gián đoạn và ngưng hầu hết hoạt động nhập khẩu ô tô vào Việt Nam từ các nước. Nghị định làm tăng chi phí và thời gian khiến giá xe tăng cao, đồng thời kéo dài thời gian chờ của khách hàng, tạo sự thiếu công bằng giữa các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô trong nước và nhà đầu tư nước ngoài”.
Cho rằng Nghị định với nhiều quy định khắt khe, thậm chí trái thông lệ quốc tế, như “đòn nốc ao” chặn xe nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đã có động thái ngừng nhập khẩu xe vào Việt Nam từ tháng 10/2017 như Honda và Toyota, Ford, Nissan và Mitsubishi.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) sau đó đã có đơn kiến nghị lần 4 vào giữa tháng 12/2017, mong muốn Chính phủ tạm hoãn việc thi hành các quy định đối với việc nhập khẩu xe ô tô tại Nghị định 116 trong ít nhất 6 tháng nhưng chưa được chấp thuận.
Có ưu đãi “người nhà”?
Trong khi đó, trái ngược hoàn toàn với những ý kiến trên, luồng ý kiến thứ hai đến từ đại diện các doanh nghiệp như Trường Hải, Hyundai Thành Công lại liên tục đưa ra các ý kiến phản biện cho rằng không có ưu đãi cho doanh nghiệp nội trong Nghị định này.
Đưa ra một loạt những giấy chứng nhận về kiểu loại, chất lượng xe mà Thaco có được từ các hãng KIA Hàn Quốc, Peugeot Pháp… Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc cty CP ô tô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương khẳng định: “Việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận kiểu loại này không có khó khăn gì. Ở Châu Âu có quy định giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe”.
Tổng Giám đốc CTCP Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam Lê Ngọc Đức cũng cho rằng, giấy chứng nhận là yêu cầu bắt buộc. Quy định về đường thử 800m mà doanh nghiệp FDI có thể thực hiện được bởi nó thể hiện sự cam kết lâu dài của nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam.