Trưởng Nhóm công tác Ôtô và Xe máy, Diễn đàn DN Việt Nam 2018 (VBF 2018) – ông Toru Kinoshita, cho biết một vài quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, NK và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô đang tác động làm cho thị trường ôtô bất ổn.
Chính sách khiến thị trường bất ổn
Nghị định này gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe NK nguyên chiếc (CBU) từ các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu… trong 6 tháng vừa qua. Việc hủy các đơn hàng này đe dọa tới hàng ngàn việc làm trên khắp Việt Nam, cả lao động trực tiếp cũng như đại lý các hãng xe.
Nhóm công tác Ôtô và Xe máy đề nghị, Chính phủ cân nhắc việc xóa bỏ yêu cầu về chứng chỉ chất lượng kiểu loại ôtô (VTA) của nước ngoài đối với xe CBU.
Thực tế, với yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe NK, các DN ô tô không thể tuân thủ được do gánh nặng của việc cùng một kiểu loại xe NK mà vẫn bị thử nghiệm lại nhiều lần về khí thải và an toàn theo từng lô hàng NK. Quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng, trong khi lại làm lãng phí thêm thời gian và làm tăng chi phí.
Theo thống kê hiện tại của Nhóm công tác, trong tháng 3/2018 đã có một lô hàng được nhập tại cảng Tp.HCM và cảng Hải Phòng, thời gian cho việc thử nghiệm khí thải và an toàn kéo dài tới 3 tuần. Sắp tới, khi số lượng xe NK tăng lên (nguồn từ Thái Lan và Indonesia), thời gian chờ thử nghiệm này có thể còn kéo dài hơn.
Thực tế cho thấy, việc thiếu nguồn cung xe từ đầu năm 2018 đến nay đang xảy ra tình trạng bất ổn cho không chỉ xe CBU mà còn cả việc kinh doanh xe lắp ráp trong nước (CKD), điều đó cũng dẫn đến việc khách hàng phải chờ lâu hơn để có xe.
“Chúng tôi lo ngại khi việc kinh doanh CBU và CKD – thường được coi là “hàn thử biểu” của sự phát triển công nghiệp và thương mại của đất nước – hiện đang giảm tổng cộng 31% kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực”, ông Toru Kinoshita cho biết.
Theo ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, hiện nay, các nhà NK ôtô nguyên chiếc không có đủ thời gian chuyển tiếp cần thiết để thực hiện Nghị định 116 và Thông tư 03/2018/ TT- BGTVT. Gần như không có ôtô nguyên chiếc nào NK từ châu Âu trong năm 2018 được đăng kiểm vì các quy định mới yêu cầu về giấy chứng nhận VTA.
Cơ quan quản lý khẳng định cần thiết
Thời điểm có hiệu lực được thông báo trong thời gian rất ngắn và thiếu khoảng thời gian chuyển tiếp hợp lý đã ảnh hưởng đến các ôtô nguyên chiếc “đang trên đường NK”. Số ôtô nguyên chiếc này bị mắc kẹt tại cảng từ ngày 1/1/2018. Điều này khiến các chi phí hậu cần và vận hành tăng cao từng ngày. Trên thực tế, từ giữa tháng 4/2018, dường như chỉ có duy nhất một công ty NK ôtô nguyên chiếc được kiểm định.
EuroCham kiến nghị, thời điểm có hiệu lực của các văn bản pháp luật này cần được lùi lại ít nhất 6 tháng sau. Các yêu cầu mới về giấy chứng nhận VTA theo Nghị định 116 và Thông tư 03 cần được bãi bỏ. Thay vào đó, việc kiểm định cần được duy trì như cũ cho các mẫu ôtô con đã được đăng kiểm vào năm 2017 để các nhà NK ô tô con có đủ thời gian cần thiết để tuân thủ các quy định pháp luật.
Tương tự, ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ (AmCham) tại Việt Nam, cho biết xe ôtô từ Mỹ XK sang Việt Nam đang bị Nghị định số 116 cản trở.
“Nghị định này đã tạo ra những rào cản kỹ thuật không mong muốn đối với các công ty của chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực này. Chúng tôi đề nghị Chính phủ tạm hoãn thi hành Nghị định này trong thời hạn 18 tháng”, ông Michale Kelly nói.
Trước các kiến nghị của DN, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết theo quy định tại Nghị định 116 và Thông tư 03, mỗi lô hàng ôtô NK phải kiểm tra thử nghiệm nhằm quản lý chất lượng ôtô NK, bảo vệ người tiêu dùng. Trường hợp không kiểm tra sẽ có bất cập, an toàn khí thải ở lô đầu tiên nhưng lô sau đó tạo kẽ hở lớn cho nhà NK đưa hàng hóa kém chất lượng so với lô đầu tiên vào Việt Nam, cuối cùng là người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Ông Công dẫn chứng như vụ việc của hãng xe Ford Việt Nam đã NK 4 kiểu loại xe, kiểm tra tiến hành khí thải từng lô phát hiện 2/4 kiểu loại xe không đạt tiêu chuẩn khí thải nên buộc phải tái xuất ra nước ngoài.
Hơn nữa, việc một DN NK hàng loạt xe về chỉ đăng ký cho một lô xe đại diện, chọn xe tốt nhất để cơ quan chức năng kiểm tra, sau đó cấp giấy chứng nhận, để rồi cơ quan chức năng không kiểm soát được chất lượng khí thải, an toàn, linh kiện của những xe NK tiếp theo…
“Đây là lỗ hổng lớn ảnh hưởng tới an toàn người tiêu dùng. Như vậy, kiểm tra kiểm nghiệm theo từng lô đối với xe NK là cần thiết, đảm bảo bình đẳng với xe sản xuất lắp ráp trong nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng”, ông Công cho biết.