Chào sàn giá “sốc” rồi rớt thảm
Phiên giao dịch ngày 12/7 giữa lúc thị trường có dấu hiệu hồi phục thì cổ phiếu YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 lại giảm sàn thê thảm. Cho đến nửa phiên chiều, YEG vẫn đang mất 17.500 đồng (tương ứng 7%), giảm xuống còn 232.500 đồng/cổ phiếu và hoàn toàn trắng bên mua.
Với mức giá này, YEG vẫn đang là mã cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, “qua mặt” cả SAB của Sabeco, VCF của Vinacafe’ Biên Hoà, VNM của Vinamilk…
Tuy nhiên, thị giá YEG đã “bốc hơi” hơn 32%, giảm tới 110.500 đồng so với mức đỉnh giá thiết lập ngày 28/6 và mất 22,5% so với mức giá phiên chào sàn. Vốn hoá thị trường của Yeah1 theo đó cũng bị “đánh bay” hơn 3.000 tỷ đồng, còn 6.364 tỷ đồng.
Có thể nói, trong bối cảnh thị trường chứng khoán trải qua nhiều sóng gió trong nửa đầu năm 2018 thì sự kiện Yeah1 – một công ty truyền thông đầu tiên đưa cổ phiếu lên sàn đã gây “náo loạn” thị trường trong nhiều phiên liền. Chào sàn với mức giá tham chiếu cao ngất ngưởng 250.000 đồng, trong phiên giao dịch đầu tiên, YEG đã tăng trần 50.000 đồng và tiếp tục tăng thêm 2 phiên đạt 343.000 đồng vào phiên 28/6.
Tuy nhiên, sau mức đỉnh này, YEG lập tức lao thẳng xuống mức đáy 225.000 đồng với 6 phiên liên tục giảm giá, trong đó có 4 phiên “lau sàn”. Thanh khoản ở mã này thường xuyên ở mức thấp, chỉ hơn 26 nghìn đơn vị mỗi phiên, có phiên chỉ 1,8 nghìn đơn vị được chuyển nhượng.
Diễn biến tiêu cực tại YEG được cho là xuất phát từ những nghi ngờ của cổ đông và giới đầu tư liên quan đến chiêu trò “thổi giá” của công ty này.
Những giao dịch khó hiểu của đại gia Nhượng Tống
Trong khi P/E (hệ giá giá trên lợi nhuận của một cổ phiếu) toàn thị trường chỉ khoảng 17 lần thì P/E của YEG lên tới 80 lần. Chính vì vậy, mức giá của YEG được cho là quá đắt đỏ. Dù đại diện Yeah1 cũng như Giám đốc điều hành Vinacapital (cổ đông lớn của Yeah1) cho rằng, giá chào sàn của YEG ở mức cao là do triển vọng tăng trưởng của công ty này ít nhất 50-60%/năm chứ không chỉ tính trên P/E thì giới đầu tư vẫn tỏ ra e ngại khi mà 4 cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, ông Hồ Ngọc Tấn, quỹ Ancla Asset và DFJ Vinacapital đã nắm giữ 61% vốn và giữa những cổ đông này lại có các giao dịch lòng vòng trước và sau niêm yết.
Chẳng hạn như ông Tống, cuối năm 2017, ông này nắm 41,4%, đến tháng 5/2018, tỷ lệ sở hữu giảm còn 27,11% và rồi một thời gian ngắn sau, ông Tống lại chuẩn bị mua vào 3,9 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành của Yeah1 với mức giá cao ngất 300.000 đồng để lại quay trở về tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu như cũ. Trong khi đó, DFJ Vinacapital thì lại giảm mạnh tỷ lệ nắm giữ từ 35,71% còn 7,14%.
Trước mối nghi ngờ của giới đầu tư, ngày 12/7, Yeah1 đã chính thức lên tiếng khẳng định rằng công ty này “đảm bảo” về “tính minh bạch”. Cho tới nay, ngoài tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông sáng lập, Yeah1 đã có trên 30 nhà đầu tư trong nước và quốc tế (trong đó nhà đầu tư ngoại đã lấp đầy 49%).
Ngoài ra, Yeah1 cũng giải thích, tại thời điểm trước niêm yết, một số cổ đông nội bộ đã thực hiện giao dịch nhằm hiện thực hóa khoản đầu tư sau 10 năm tham gia với tập đoàn này như quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital. Đồng thời, động thái bán ra này nhằm giúp Yeah1 tiếp tục nhận được nguồn vốn mới cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn mới.
Theo Yeah1 “các giao dịch này đều được báo cáo đến các cơ quan chức năng, được hướng dẫn chi tiết cách thực hiện cũng như sự chấp thuận về tính pháp lý của các giao dịch. Các hình thức giao dịch này cũng đã được một số các công ty niêm yết trong thời gian gần đây áp dụng và hoàn toàn tuân thủ pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ tài chính trên thế giới”.
Sau phản hồi này của Yeah1, cổ phiếu YEG đã phục hồi vào cuối phiên, mức giảm giá được thu hẹp còn 6.000 đồng/cổ phiếu và đóng cửa tại mức giá 244.000 đồng. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn rất nhỏ, với số giao dịch chỉ đạt 8 lệnh được khớp, tổng khối lượng khớp lệnh chưa tới 19 nghìn đơn vị.