Một doanh nghiệp FDI là Công ty cổ phần Gạch men Chang Yih (CYC) vừa xin gia hạn nộp báo cáo tài chính quý soát xét 6 tháng. Theo thông tin của doanh nghiệp này, Công ty Kiểm toán DFK đang tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Chang Yih và dự kiến đến ngày 15/9 mới hoàn tất, nên phải đến ngày 17/9, Chang Yih mới có thể công bố báo cáo tài chính này.
Việc CYC xin hoãn thời hạn nộp báo cáo soát xét càng khiến nhà đầu tư… hồi hộp, bởi cổ phiếu CYC của Công ty cổ phần Gạch men Chang Yih đã bị dừng giao dịch cách đây ít lâu do hoạt động kinh doanh bị thua lỗ trong 2 năm liên tiếp, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010.
Lý giải về tình trạng thua lỗ kéo dài thời gian qua, lãnh đạo Công ty cổ phần Gạch men Chang Yih cho biết, theo báo cáo kết quả kinh doanh 2010, Công ty lỗ sau thuế hơn 460 triệu đồng, nhưng kết quả kinh doanh thực tế trước thuế có lãi hơn 1,7 tỷ đồng. Do một số khoản chi phí Công ty tự quyết toán là chi phí không hợp lệ, như khấu hao gần 11 tỷ đồng, lập dự phòng hàng tồn kho gần 4,4 tỷ đồng… đã ảnh hưởng đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (hơn 2,7 tỷ đồng).
Theo ông Chen Hui Zun, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gạch men Chang Yih, phương hướng khắc phục khó khăn của Công ty là trong những tháng cuối năm sẽ đẩy mạnh xuất khẩu. Công ty hiện đã có các đơn đặt hàng xuất khẩu và có kế hoạch giao hàng đến cuối năm, đồng thời đang phát triển thêm các khách hàng mới.
Một số nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán nhận định rằng, việc cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI luôn trong tình trạng rẻ hơn các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường là do tình hình kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp FDI niêm yết lẹt đẹt, với khá nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, bị tạm ngừng giao dịch, chậm nộp báo cáo tài chính…
Một số nhà đầu tư khác thì cho rằng, họ ngại đầu tư vào cổ phiếu FDI do những nghi ngờ về nguyên nhân thua lỗ là do các thủ thuật “chuyển giá” của các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI niêm yết cũng có những khó khăn khách quan. Theo chuyên viên phân tích của một công ty chứng khoán, các doanh nghiệp FDI chỉ niêm yết một phần nhỏ số lượng cổ phiếu lưu hành, khiến tính thanh khoản bị ảnh hưởng, làm giảm sự hấp dẫn của các cổ phiếu trên thị trường. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác, như môi trường kinh doanh không thuận lợi, lãi suất cao, trong khi chi phí sản xuất tăng (lương, nhiên liệu…), sản phẩm không phù hợp với thị trường nội địa…