Một số DN bất động sản đã dựa vào hoạt động xây lắp để tạo dòng tiền, gánh đỡ lĩnh vực đầu tư bất động sản vốn đang rất trầm lắng. Tuy nhiên, quan ngại của các công ty xây lắp hiện nay là rủi ro từ những khoản nợ xấu do các chủ đầu tư chậm hoặc mất khả năng thanh toán. Vì vậy, các nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng với các khoản nợ và khoản phải thu của công ty xây lắp hiện nay dù hoàn toàn tin tưởng vào khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận năm của công ty.
CTCK TP. HCM (HSC) trong bản tin đầu tuần này khi cập nhật về kết quả kinh doanh của CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) đã tỏ ra quan ngại về khoản phải thu và nợ ngắn hạn tương ứng 1.085 tỷ đồng và 700 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý I của HBC.
Tuy nhiên, ông Phan Ngọc Thạnh, Giám đốc tài chính của HBC cho biết, hiện nay tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Công ty ở mức trên 1 lần, còn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình ngành. Các khoản phải thu lớn nhưng HBC không có nợ khó đòi vì trước khi ký hợp đồng, Công ty đã lựa chọn kỹ chủ đầu tư uy tín. Mặt khác, đi cùng với Hòa Bình còn có ngân hàng thẩm định khả năng thanh toán của chủ đầu tư. HBC không ký hợp đồng nếu ngân hàng nhận định chủ đầu tư không có khả năng thanh toán.
Theo ông Thạnh, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của HBC xây dựng trong kế hoạch là 1,5 lần. Tỷ lệ này sẽ tăng dần, đạt mức tối đa vào quý III năm nay do yếu tố mùa vụ của ngành xây lắp, sau đó lại giảm xuống vào cuối năm.
Là DN hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp, nhưng ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Cotec (CTD) cũng cho biết: “Chủ trương của Công ty năm này là làm ít đi, còn hơn làm nhiều mà chậm hoặc khó thu hồi vốn”. Với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, chủ đầu tư bán hàng chậm hoặc ngân hàng hạn chế cho vay vốn thì việc chủ đầu tư chậm thanh toán cho bên thi công rất dễ xảy ra. Ngay cả khi chủ đầu tư thanh toán chậm, việc tính lãi suất chậm thanh toán cũng không dễ, nên thường nhà thầu phải chấp nhận chịu om vốn và lợi nhuận giảm đi.
Mặc dù có nguồn vốn dồi dào và có thể thỏa thuận với một vài chủ đầu tư để họ ứng trước vốn nên CTD vẫn có tiền gửi ngân hàng đem lại lợi nhuận tài chính, nhưng Công ty vẫn rất thận trọng trong thi công. Công ty còn chủ động tư vấn cho chủ đầu tư giãn tiến độ thi công, tránh rủi ro mất thanh khoản của thị trường bất động sản.
Kết thúc nửa đầu năm, ước tính CTD vẫn xấp xỉ đạt kế hoạch lợi nhuận, nhưng doanh thu chỉ đạt 44% kế hoạch 6 tháng.
Ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng số 5 (SC5) cho biết, Công ty đang đẩy mạnh tìm kiếm dự án đấu thầu thi công xây lắp, vì hoạt động xây lắp tạo ra doanh thu và lợi nhuận ổn định cho Công ty khi mảng bất động sản còn gặp nhiều thách thức. Năm nay, SC5 dự kiến hạch toán doanh thu từ mảng xây dựng khoảng 910 tỷ đồng, chiếm 71,1% trong tổng doanh thu kế hoạch năm 2011.
Bên cạnh các hợp đồng thầu xây lắp dự án nhà ở, SC5 đang đẩy mạnh thi công dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng do DN có lợi thế về nguồn vốn làm chủ đầu tư.
CTCP Chương Dương (CDC) cũng lấy xây lắp là một hoạt động chủ lực bên cạnh đầu tư và kinh doanh bất động sản, chứ không chỉ là hoạt động hỗ trợ. Năm nay, CDC sẽ hạch toán doanh thu từ dự án Bệnh viên Đa khoa vùng Tây Nguyên trị giá 151 tỷ đồng và hoàn thiện dự án Thủy điện Đồng Nai 4 trị giá hơn 400 tỷ đồng với doanh thu còn lại khoảng 80 tỷ đồng.
Do thị trường bất động sản tiêu dùng trầm lắng nên những công ty xây lắp tập trung vào phân khúc thị phần nhà chung cư gặp nhiều khó khăn hơn các công ty hướng đến dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, dự án nước, thủy điện…
Ông Dương cũng thừa nhận, CTD hướng đến các dự án đòi hỏi kỹ thuật thi công, tính thẩm mỹ cao (như dự án chung cư cao cấp), nên khi kinh tế phát triển tốt thì công ty mới hoạt động thuận lợi. Còn ở phân khúc dự án nhà ở trung bình thì có quá nhiều công ty cạnh tranh nên tỷ suất lợi nhuận không cao.
Theo các chuyên gia, mặc dù chịu khó khăn chung của nền kinh tế nhưng các DN xây lắp có những thuận lợi là giá vật liệu xây dựng ổn định, mặc dù giá có tăng theo mặt bằng chung nhưng không tăng đột biến thất thường, khiến nhà thầu và chủ đầu tư phải đàm phán lại.
Chính vì những yếu tố thuận lợi này, nên nếu loại trừ khả năng rủi ro nợ xấu thì các DN hoạt động xây lắp lại là một trong số ít ngành có khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cao nhất trong năm nay.