Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sản lượng sắt thép 6 tháng đầu năm của cả nước đạt khoảng 4,69 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả tăng trưởng khả quan trong thời gian này là do nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản đã, đang và sẽ được triển khai trong năm nay. Cùng với đó, việc giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ triển khai ngay từ những tháng đầu năm đã tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng của ngành thép.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, từ nay đến cuối năm 2018, dự kiến có nhiều dự án được đưa vào hoạt động, như: Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm, mạ màu với công suất 350.000 tấn/năm vào sản xuất; Tập đoàn Hòa Phát đưa lò cao giai đoạn 1 tại tỉnh Quảng Ngãi với công suất 2 triệu tấn/năm vào hoạt động, lò cao số 2 của Formosa Hà Tĩnh với công suất 3,8 triệu tấn/năm cũng sẽ được đưa vào sản xuất…
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, với những yếu tố thuận lợi như vậy, trong năm 2018, ngành thép Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, khoảng 17-18%, thậm chí 20% so với năm 2017.
Bên cạnh những tín hiệu khả quan, ông Sưa e ngại, thời gian tới, ngành thép sẽ phải trải qua không ít khó khăn, thách thức như: phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tức các nước sẽ dựng nên hàng rào thuế quan để ngăn cản việc xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể là các vụ kiện của Hoa Kỳ, Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý là quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm dưới hình thức tăng thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành. Theo đó, một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào nước này sẽ phải chịu mức thuế cao, 25% với thép và 10% với nhôm.
Đây là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp phải cố gắng để có thể đảm bảo tăng trưởng bền vững và đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra là 5 triệu tấn trong năm 2018./.