Ngay sau bài viết, ĐTTC nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, trong đó có nhận định về thị trường thép trong bối cảnh chiến tranh thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc bùng nổ.
Không đáng lo cạnh tranh thép ngoại
Việc nền kinh tế hàng đầu thế giới bảo hộ ngành thép sẽ không tác động nhiều tới ngành thép Việt Nam. Thực tế, Trung Quốc là đối thủ đáng lo ngại nhất, bởi họ là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, có vị trí giáp ranh với Việt Nam, và hiện có khoảng 36% lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam xuất xứ từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ sau khi lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh đột biến do dư thừa (giai đoạn 2014-2015), Hoa Kỳ đã liên tục áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với thép Trung Quốc. Tính đến nay, Hoa Kỳ đang áp dụng 28 biện pháp thuế quan và phi thuế quan đối với nhiều loại sản phẩm thép Trung Quốc.
Do đó, sản lượng thép Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã sụt giảm mạnh từ 2014 đến nay. Năm 2017, sản lượng thép Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ chỉ ở mức 740.126 tấn, chiếm 2% sản lượng nhập khẩu thép của Hoa Kỳ và 1% sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc. Như vậy, việc lo ngại thép Trung Quốc không xuất khẩu được sang Hoa Kỳ sẽ tìm cách chuyển sang các nước khác, trong đó có Việt Nam không đáng lo ngại, vì sản lượng này không lớn.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những nước xuất khẩu thép chính vào Hoa Kỳ. Do đó, các quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc hạn chế nhập khẩu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng chỉ chiếm 5-12% trong cơ cấu xuất khẩu của các quốc gia này, nên có tác động nhưng không phải trọng yếu. Hiện nay xuất khẩu thép của các nước này sang Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thép trong nước chưa có khả năng sản xuất, hoặc không đủ cung cấp (thép hợp kim, thép tấm lá, thép cuộn cán nóng)
DN ít bị ảnh hưởng
Quay lại với thị trường thép Hoa Kỳ, quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất trên thế giới, nhưng sản lượng nhập khẩu nước này cũng chỉ chiếm 8% tổng thương mại thép toàn cầu. Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), Hoa Kỳ vẫn buộc phải nhập khẩu thép khi sản xuất nội địa trong ngắn hạn không thể đáp ứng được nhu cầu. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành thép của Hoa Kỳ đang ở trạng thái ổn định, khi công suất sản xuất gần như không thay đổi (110-117 triệu tấn/năm).
Hiệu suất sử dụng bình quân của ngành ở mức 73,9% (năm 2017). Để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ 106 triệu tấn năm 2017, các nhà máy bình quân phải chạy với hiệu suất 95%, mức hiệu suất gần như không thể đạt được đứng trên góc độ quy mô cả một ngành sản xuất. Ngoài ra, các sản phẩm của ngành thép rất đa dạng (thép xây dựng, thép tấm, ống thép, thép hợp kim, thép không gỉ, đường ray tàu hỏa), nên ngay cả khi huy động ở hiệu suất tối đa, nếu chủng loại không phù hợp vẫn phải nhập khẩu.
Về cơ bản Hoa Kỳ vẫn phải nhập khẩu thép trong vòng ít nhất 2 năm tới trước khi xây dựng các nhà máy mới và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ bằng sản xuất nội địa. Trước mắt, giá thép tại thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng do tác động của thuế nhập khẩu, và sản lượng sản xuất của các nước xuất khẩu thép chính vào Hoa Kỳ sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, với quy mô nhập khẩu của Hoa Kỳ chỉ chiếm 8% tổng thương mại thép toàn cầu, đồng nghĩa với việc phần sụt giảm sẽ có tỷ trọng thấp hơn và tác động tới giá thép cũng như các nguyên liệu sản xuất thép không lớn.
Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách bảo hộ với ngành thép có thể dấy lên các hành động trả đũa của các quốc gia khác. Mới đây nhất, cuối tháng 5-2018, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 25% đối với các nước vốn là đồng minh thân cận bao gồm EU, Mexico và Canada, trong khi trước đó 2 tháng đã tuyên bố loại trừ thuế nhập khẩu thép với các quốc gia này, đã gây nên sự bất bình và khả năng cao sẽ có những hành động đáp trả (thuế nhập khẩu thép trước đó của EU vào Hoa Kỳ chỉ ở mức 3%). Nếu các hành động trả đũa này chỉ nhằm vào Hoa Kỳ sẽ không gây ảnh hưởng gì đến ngành thép Việt Nam. Song nếu trên một quy mô rộng hơn là bảo hộ sản xuất và hạn chế nhập khẩu từ tất cả quốc gia, sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam.
Trong các sản phẩm thép chính của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu ống thép và thép xây dựng chỉ ở mức 11-12%, trong khi tôn mạ là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với tỷ trọng xuất khẩu lên đến 47% sản lượng tiêu thụ. Do đó, các DN sản xuất tôn mạ như CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG) sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất nếu hàng rào bảo hộ được nâng cao. Trong khi đó, các DN sản xuất thép xây dựng như CTCP Thép Hòa Phát (HPG), CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) và CTCP Thép Pomina (POM) sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn từ chiến tranh thương mại.