Đặc biệt, sản xuất thép cuộn cán nóng dự kiến tăng mạnh nhất, 154% so với năm ngoái, nhờ Formosa Hà Tĩnh dự định tăng gấp đôi công suất sản xuất khi đưa lò cao số 2 (công suất 4 triệu tấn/năm) đi vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2018, giúp nâng tổng công suất của Fomosa lên 7 – 8 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, một số dự án dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm nay như Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán công suất khoảng 600.000 tấn trong tháng 8/2018; Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350.000 tấn; Công ty Tung Ho đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất công suất 600.000 tấn thép xây dựng.
Tuy nhiên, Hiệp hội Thép khuyến cáo, ngành thép sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, cần áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước cũng như kháng kiện các vụ kiện của nước ngoài như Mỹ, Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, Mỹ đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu. Theo đó, một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào nước này phải chịu mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm.
Quyết định này của Mỹ có hiệu lực thi hành từ ngày 23/3/2018, có ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất sắt thép thô tăng 43,7%, thép cán tăng 5,3%, thép thanh, thép góc tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.