Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến hết ngày 30/4, xuất khẩu (XK) thép thành phẩm đạt 1,91 triệu tấn, với kim ngạch đạt hơn 1,4 tỷ USD.
Trong đó, ASEAN là thị trường lớn nhất, với lượng XK hơn 1 triệu tấn thép, chiếm tới 57% tổng lượng thép thành phẩm XK. Tiếp đến là thị trường Mỹ (15,2%), EU (10%), Hàn Quốc (4,1%)…
Thấp thỏm chờ “bản án”
Tuy nhiên, tại cả b thị trường XK chính là Mỹ, EU, ASEAN, ngành thép đều phải đối mặt với ít nhất 1-2 vụ kiện phòng vệ thương mại. Mới đây nhất, một số DN sản xuất thép tại Mỹ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Đài Loan, Hàn Quốc và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên thép Việt bị nghi ngờ “đội lốt”. Trước đó, vì nghi thép Trung Quốc đã được chuyển sang Việt Nam để XK sang Mỹ nên DOC đã khởi xướng điều tra việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội và tôn mạ và sơn phủ màu của Việt Nam xuất sang Mỹ.
Theo VSA, Mỹ đã cử đoàn sang điều tra tại Việt Nam và các DN thép của Việt Nam đã hợp tác với đoàn Mỹ. Tuy nhiên, ngày 21/5/2018, DOC vẫn có quyết định áp thuế chống lẩn tránh thuế bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất bằng thép cuộn cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc; tương tự đối với tôn mạ và sơn phủ màu là 199,43% và 39,05%.
Không chỉ Mỹ, Cơ quan Chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) vì nghi ngờ DN Trung Quốc bán thép vào Việt Nam để dùng Giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam nhằm tránh thuế chống bán phá giá nên đã cử đoàn sang làm việc với Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, chia sẻ: Vừa rồi, VSA có hỏi về kết quả cuộc làm việc của OLAF, nhưng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tới nay EU, vẫn chưa có thông báo gì, hy vọng thép Việt Nam sẽ được “minh oan”.
Với Indonesia, thị trường này vừa chính thức công bố áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 12,01-28,49% trong 5 năm. Nhiều khả năng trong thời gian tới, lượng tôn Việt XK sang Indonesia sẽ giảm.
Có thể thấy ngành thép luôn thấp thỏm với tâm trạng chờ “bản án” sau mỗi cuộc điều tra chống bán phá giá. Đoàn điều tra sang làm việc nhưng cuối cùng kết luận nhiều khi được đưa ra vẫn như cáo buộc ban đầu, điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các DN thép.
Hiện, ngành thép đã sản xuất được các mặt hàng thép dài (thép thanh, thép cuộn và thép hình) khép kín từ nguyên liệu ban đầu. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm thép dẹt mới chỉ sản xuất các sản phẩm cuối như thép cuộn cán nguội và tôn sơn phủ màu.
Vì vậy, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu thép cuộn cán nóng để phục vụ sản xuất thép cuộn cán nguội và tôn mạ và sơn phủ màu. Nguồn nhập khẩu khá nhiều: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Đây được xem là “cớ” để cho các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam –VCCI), đến nay, hàng hóa Việt Nam đã bị kiện ở 107 vụ liên quan đến phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng, trong đó có 78 vụ là kiện chống bán phá giá, 12 vụ kiện chống trợ cấp và 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế.
Đáng chú ý, trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép, chiếm 1/2 số vụ kiện; trong 12 vụ kiện chống trợ cấp có 8 vụ liên quan đến sắt, chiếm 3/4 số vụ kiện.
Đến nay, hàng hóa Việt Nam đã bị kiện ở 107 vụ liên quan đến phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng, trong đó có 78 vụ là kiện chống bán phá giá, 12 vụ kiện chống trợ cấp và 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế.
|
Mở rộng thị trường
VSA chia sẻ hiện nay, năng lực sản xuất của ngành thép trong nước đạt khoảng 30 triệu tấn/năm nhưng đây là ngành đang phải đối mặt nhiều nhất với các vụ kiện chống bán giá, chống trợ cấp từ các quốc gia khác như Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…
Ông Sưa đánh giá việc sử dụng công cụ bảo hộ thương mại sẽ tạo ra hàng rào thuế quan cản trở việc XK thép của Việt Nam sang các nước, gây khó khăn cho việc XK. Ngành thép còn phải đóng thêm một khoản chi phí, khả năng cạnh tranh của các DN thép sẽ giảm đi.
Vì vậy, đại diện VSA khuyến cáo các DN ngành thép chỉ nên sử dụng nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam để sản xuất ra các mặt hàng XK. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, trình độ công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh của sản phẩm.
Hiện nay, thị trường lớn nhất là ASEAN, Mỹ, EU nhưng thời gian tới, các DN cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Ngành sẽ tập trung vào một số thị trường tiềm năng trong khu vực ASEAN như Campuchia (ngành xây dựng nước này đang phát triển, trong khi chưa có ngành công nghiệp thép); hay Philippines, Thái Lan, Myanmar, Indonesia cũng là những thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, DN cần phải nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật lệ thương mại quốc tế cũng như luật lệ thương mại của các nước XK sang để hạn chế những thiệt hại không đáng có.
Đặc biệt, các DN khi bị cơ quan nước ngoài áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phải có tinh thần hợp tác, kiên trì, không được tránh né. Nếu tránh né, cơ quan phụ trách phòng vệ nước ngoài sẽ được quyền áp dụng ngay vì bất hợp tác.
Bổ sung thêm, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, khuyến nghị DN Việt phải làm sao tự chủ được các nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào ngay trong nước. Ngành công nghiệp thép trong nước phải cố gắng khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước để giảm thiểu việc các DN nước ngoài cho rằng lẩn tránh thuế.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, cho rằng các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn rất ngắn, các yêu cầu về kỹ thuật lại cực kỳ phức tạp trong khi DN Việt Nam không phải luôn luôn sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài.
Vì vậy, DN cần nâng cao nhận thức để có những hiểu biết nhất định về quy trình kiện, về những thị trường mà mình đang XK để có sự chuẩn bị trước về kiến thức, về hồ sơ, chứng từ sổ sách sao cho minh bạch, đàng hoàng, rõ ràng và phù hợp để đến khi cần thì có thể chứng minh được dễ dàng hơn.