EU được xem là thị trường lớn của ngành nhựa Việt Nam với mức tăng trưởng xuất khẩu khá ấn tượng năm 2017 là 61,5%. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, ly nhựa, túi ny lông… Để giữ vững và mở rộng tăng trưởng nhập khẩu vào thị trường này, các DN xuất khẩu ngành nhựa buộc phải cải tiến công nghệ, cũng như mở rộng sản xuất và điều này khiến không ít DN gặp khó.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, theo đề xuất mới của EC, các sản phẩm nhựa dùng một lần và dễ thay thế như ống hút, đĩa, thìa, đũa sẽ bị cấm và được thay thế bằng các vật liệu cứng bền vững, thân thiện với môi trường. Song song đó, các nhà sản xuất sản phẩm nhựa sẽ được khuyến khích dùng các giải pháp thay thế ít ô nhiễm hơn và phải dán nhãn sản phẩm.
Ngoài ra, trong đề xuất lần này, EC cũng yêu cầu vào năm 2025, các nước thành viên phải thu gom 90% các chai lọ dùng một lần. Riêng các nhà sản xuất sản phẩm phải có trách nhiệm hỗ trợ chi phí xử lý số chai nhựa này.
Theo các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại ly cốc nhựa dùng một lần được sản xuất từ nhựa polystyrene. Loại nhựa này thường được sử dụng trong khâu đóng gói bao bì. Chất polystyrene khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất styrene vô cùng độc hại và dễ xâm nhập vào cơ thể. Nhiều quốc gia trên thế giới đã tẩy chay đồ nhựa dùng một lần vì lo ngại ô nhiễm môi trường và ẩn chứa hiểm họa khôn lường tới sức khỏe con người.
Hiện đề xuất này còn phải chờ 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu thông qua mới có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng đề xuất trên rất có khả năng trở thành hiện thực. Bởi trước đó, Chính phủ Anh đã ra lệnh cấm ống hút nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Chính phủ Pháp cũng đưa ra lộ trình bắt đầu từ năm 2020 sẽ cấm nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Về phía mình, ngành nhựa Việt Nam thời gian gần đây được đánh giá là có sự phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ là gia công chất dẻo. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thống kê cho biết, hiện ngành nhựa chỉ chủ động được khoảng 20-25% nguyên liệu cũng như hóa chất phụ gia đầu vào, còn lại phải nhập khẩu.
Nguồn nguyên liệu nhựa PP, PE của DN ngành nhựa Việt Nam là các sản phẩm rác thải nhựa từ nước ngoài. EU đang xuất khẩu một nửa số rác thải nhựa thu gom được và 85% trong tổng số đó là xuất sang Trung Quốc. Nhưng hiện nay, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam và Trung Quốc đang và sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa.
Chính vì thế, nguồn nguyên liệu cho sản xuất của các DN nhựa Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ khiến DN xuất khẩu sản phẩm nhựa gặp khó trong việc tận dụng ưu đãi thuế do quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Hiệp hội Nhựa TP.HCM cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công thương, Chính phủ xem xét tình trạng hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa. Bởi vì mặc dù nguồn nguyên liệu nhựa phế thải có thể giúp một số DN nhựa phát triển nhanh chóng, tăng nguồn nguyên liệu nội địa thứ cấp, giảm giá thành sản phẩm, tăng nội lực cạnh tranh, thế nhưng về lâu dài, sẽ gây hậu quả nặng nề về môi trường, thậm chí có những nguy hại ô nhiễm không thể khắc phục được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, việc ký kết được các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã mang đến nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu mặt hàng nhựa bao bì khi các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất rẻ, thuế suất xuất khẩu được hưởng nhiều ưu đãi.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập sản phẩm nhựa tại thị trường EU, Nhật Bản vẫn ở mức cao, và ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam, nhất là nhu cầu về ống nhựa và túi nhựa. Tại thị trường EU, sản phẩm nhựa Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá. DN sản xuất bao bì nhựa xuất khẩu sang thị trường EU được hưởng lợi kép về giá thành và ưu đãi mức thuế.
Trước đề xuất của EC sẽ có những tác động nhất định đến xuất khẩu nhựa Việt Nam trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công thương khuyến cáo các DN chuyển đổi công nghệ sản xuất và sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường nhằm giữ vững thị phần xuất khẩu vào châu Âu.
Để các DN có thể thực hiện được điều này, lãnh đạo Bộ Công thương kết nối với thương vụ nước ngoài và một số công ty cung cấp thiết bị quốc tế để hỗ trợ DN sản xuất nhựa trong nước tiếp cận công nghệ và nguồn nguyên liệu mới. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tổ chức các hội chợ công nghệ sản xuất nhựa trong nước và quốc tế để tạo cơ hội cho các DN nội tiếp cận với công nghệ mới.