Tăng trưởng giữa tâm dịch
Xuất khẩu một số mặt hàng tỷ USD quan trọng như giày dép, điện tử, lúa gạo, đồ gỗ vẫn tăng trưởng bất chấp dịch Covid-19. Sự tăng trưởng của các ngành hàng tỷ USD này đã bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm của nhiều nhóm hàng chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 11,41 tỷ USD, tăng 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,51 tỷ USD, tăng 0,9%.
Đóng góp hơn 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2019, đồ gỗ duy trì mức tăng trưởng 7,1% sau 2 tháng, trị giá 1,5 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng đáng ghi nhận khi ngành này chịu áp lực cả phần nguyên liệu đầu vào lẫn đầu ra, giao thương nhiều với thị trường Trung Quốc.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), việc Trung Quốc tạm dừng hoạt động giao thương tại các cửa khẩu để tập trung xử lý bệnh dịch đã ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam, nhất là dăm gỗ, bởi thế, việc ngành gỗ vẫn duy trì đà tăng xuất khẩu trên 7% là thành tích lớn.
Với hơn 811.000 tấn gạo được xuất khẩu sau 2 tháng, thu về lượng ngoại tệ 372 triệu USD, tăng 15% về lượng và 20,5% về trị giá, lúa gạo cũng là điểm sáng của nhóm hàng nông sản trong 2 tháng đầu năm.
Mức tăng trưởng trên 20% sau 2 tháng ít nhiều tạo động lực cho các nhà xuất khẩu gạo, bởi năm 2019, trước tác động của giá gạo đi xuống, ngành gạo trong nước đã có một năm sụt giảm mạnh, hụt hơi 300 triệu USD so với năm 2018.
Tin vui là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong tháng 2/2020 do nhu cầu cao từ Philippines và Malaysia. Loại 5% tấm giá hiện ở mức 380 USD/tấn, tăng gần 10% so với cuối tháng 1/2020. Mức giá hiện tại là cao nhất trong vòng hơn 1 năm nay.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 40 USD/tấn.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam cho biết, Covid-19 không ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu gạo, bởi Việt Nam đã đa dạng hóa thị trường nên mức độ phụ thuộc của mặt hàng gạo xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc không còn quá lớn.
Ráo riết tìm thị trường mới
Giá xuất khẩu đang tốt lên với ngành lúa gạo, nhưng không vì vậy mà việc tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới bị bê trễ.
Được biết, ngay trong tháng 3/2020, một phái đoàn của Bộ Nông nghiệp Philippines sẽ đến thăm các cơ sở sản xuất gạo tại Việt Nam để làm việc về vấn đề an toàn thực phẩm, chuẩn bị cho việc nhập khẩu nhiều hơn nữa.
Các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo trong nước rất coi trọng sự kiện giao thương với các nhà nhập khẩu Philippines do thị trường này đang là địa chỉ tiêu thụ chính của ngành lúa gạo.
Với lượng nhập khẩu trên 2 triệu tấn, trị giá gần 1 tỷ USD, Philippines đã trở thành thị trường lớn nhất của ngành lúa gạo Việt Nam trong năm 2019, chiếm 34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là Bờ Biển Ngà và Trung Quốc.
Đối với ngành gỗ, do đặt mục tiêu xuất khẩu 12,2 tỷ USD trong năm 2020, ngành gỗ Việt phải tăng tốc mạnh mẽ để mong cán đích con số này.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, dăm gỗ là mặt hàng quan trọng nhất được xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc, với kim ngạch năm 2019 đạt 972,2 triệu USD, chiếm 79,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam vào Trung Quốc. Dịch Covid-19 khiến nhiều công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoặc hoạt động cầm chừng, khiến xuất khẩu dăm của Việt Nam sang thị trường này gặp khó. Bởi vậy, cơ cấu lại các mặt hàng xuất khẩu có ưu thế, mang lại giá trị tốt hơn là hướng đi của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ tại thời điểm này.
Về tổng thể, vẫn còn những ngả rẽ khác để ngành xuất khẩu này ghi điểm về dài hạn, đó là thị trường EU. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực nửa cuối năm 2020, theo tính toán, EVFTA sẽ mang về cho Việt Nam từ 950 triệu USD đến 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất ngay trong năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực.
EU hiện đứng thứ 4 trong những thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam sang EU đạt 785,2 triệu USD, trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là ghế ngồi, nội thất phòng ngủ, nội thất văn phòng, đồ gỗ ngoài trời. Năm 2019, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU tiếp tục tăng. Theo lộ trình, 83% dòng thuế đối với các sản phẩm gỗ sẽ giảm từ 6% xuống 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, 17% dòng thuế còn lại sẽ được giảm trong 5 năm sau đó. Đây là cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt tăng tốc vào EU.
Thế Hải