Ông Lương Ngọc Kim, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đồng thời cũng là Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành A chứng kiến hết quá trình phát triển vượt bậc của ngành trong thời gian qua. 7 năm Việt Nam gia nhập WTO, ngành chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam phát triển khá ổn định.
Đến năm 2013, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN, đứng thứ hai tại châu Á và thứ 10 trên thế giới. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 thị trường nước ngoài. Những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ) cũng là thị trường có mức tiêu dùng lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Nhật Bản.
Nếu năm 2013 được xem là năm thành công của xuất khẩu đồ gỗ (kim ngạch đạt 5,37 tỷ USD), thì dự báo năm 2014 vẫn rất khả quan, trong tháng 1/2014, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 507 triệu USD, tăng hơn cùng kỳ năm 2013 là 3,8%. Tuy nhiên, thách thức lớn từ đầu năm 2014 là ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ phải thích ứng nhanh trong sản xuất, chế biến để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu theo các quy định của Đạo luật Lacey của Hoa Kỳ và Kế hoạch hành động về Thực thi Lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản – (FLEGT) của EU.
Lacey hay FLEGT không phải là những điều khoản trói buộc bất ngờ với DN Việt Nam. Tuy vậy, các quy định từ phía đối tác nhập khẩu như thế vẫn gây nhiều khó khăn cho họ. Cũng bởi, từ trước ngành chế biến gỗ còn phụ thuộc nhiều vào gỗ nguyên, phụ liệu nhập khẩu và không qua truy nguyên nguồn gốc. Mặt khác, quy mô sản xuất chế biến gỗ tại nhiều địa phương trên cả nước còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu và không có khả năng đáp ứng những đơn hàng lớn của đối tác nhập khẩu.
Về liên kết, DN ngành chế biến gỗ còn thiếu hình thức tổ chức sản xuất, liên doanh thích hợp, gắn kết nhà máy chế biến với sản xuất và cung ứng nguyên liệu. Theo Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tuy ngành chế biến gỗ có sự phát triển nhanh trong thời gian qua, nhưng trước mắt từ năm 2014 vẫn còn phải đối mặt với khó khăn từ nguồn nguyên liệu.
Hiện nay, nhu cầu gỗ nguyên liệu đang gia tăng mạnh. Trong khi, sản lượng gỗ rừng trồng tại Việt Nam hàng năm đạt 6,3 triệu m3, trong đó có 1,2 triệu m3 gỗ lớn, còn lại là gỗ nhỏ, không thể đáp ứng đủ nhu cầu gỗ lớn cho sản xuất chế biến trong nước. Vì thế, hiện hầu hết DN trong ngành đều phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu từ gỗ xẻ, gỗ tròn đến ván nhân tạo…
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, mặc dù còn khó khăn nhưng các DN tự tin về triển vọng kinh doanh của mình. Nhiều DN đã đầu tư phát triển sản phẩm mới, tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn, có tính sáng tạo, kết hợp giữa nguyên vật liệu cũ với thiết kế mới.
Sau 3 năm tham gia vào hàng loạt hội chợ đồ gỗ lớn của thế giới, đa số khách hàng nước ngoài đều ưa chuộng sản phẩm đồ gỗ Việt Nam. Sau hội chợ, hầu hết DN tham gia đều bán hết hàng trưng bày và có thêm hợp đồng xuất khẩu mới. Theo ông Hạnh, triển vọng kinh doanh ngành gỗ trong năm 2014 hứa hẹn rất nhiều ở những thị trường mới như Trung Đông, Úc và một số nước trong khối ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia…
Một tin vui là từ giữa năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, định hướng xây dựng vùng cung cấp nguyên liệu tập trung gắn với các trung tâm chế biến gỗ; khai thác hiệu quả tổng diện tích rừng sản xuất được quy hoạch là 8,4 triệu ha; thực hiện các biện pháp trồng rừng và khai thác hiệu quả để hình thành rừng gỗ lớn thay thế dần nhập khẩu nguyên liệu gỗ… Hy vọng với các chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ, ngành gỗ sẽ có tầm nhìn phát triển dài hạn và ổn định hơn.