Đơn cử với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), cho biết hiệp định này sẽ giúp ngành gỗ mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) sang Canada, Peru, Chile, Australia…
Luôn phải “ăn đong”
“CPTPP đem đến cho ngành gỗ cơ hội mở rộng thị trường và thị phần, trong đó thuế suất XK vào thị trường các nước về 0%. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của ngành gỗ là thiếu nguyên liệu. Đây đang chính là áp lực lớn nhất”, ông Quyền cho biết.
Ông Quyền dẫn chứng, năm 2017, XK gỗ đạt khoảng 7,7 tỷ USD nhưng phải nhập khẩu (NK) tới 31 triệu m3 gỗ. Nếu năm 2018 với mục tiêu XK 9 tỷ USD, ước chừng phải nhập 35 triệu m3 gỗ.
Trước đây, ngành gỗ mua nguyên liệu ở nhiều quốc gia, nhưng khi tham gia CPTPP rồi, muốn tận dụng lợi thế thuế 0%, phải nhập nguyên liệu từ các quốc gia trong khối. Tuy nhiên, ông Quyền cho biết không phải nước nào cũng có gỗ để bán. New Zealand, Canada, Chile chủ yếu là gỗ pha, chỉ làm nội thất, còn nếu làm thứ khác sẽ khó; Nhật Bản thì không có để bán.
Trong khi đó, phát triển nguồn gỗ trong nước của Việt Nam chủ yếu dựa vào gỗ rừng trồng nhưng chất lượng gỗ kém, đưa vào chế biến XK chỉ được 15%.
“Thời gian tới, chúng ta chỉ trông chờ vào nguồn gỗ cao su; gỗ vườn nhà như cây nhãn, cây mít, cây điều… Hai loại gỗ này cung cấp khoảng 6 triệu m3/năm. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Còn về lâu dài, rừng trồng trong nước phải tạo ra cây gỗ có chất lượng cao. Chúng ta chỉ có khoảng 5 – 7 năm nữa để làm việc này”, ông Quyền nhấn mạnh.
Hơn nữa, Vifores cho biết từ đầu năm 2017, lệnh cấm khai thác gỗ từ rừng tự nhiên của Chính phủ Trung Quốc có hiệu lực đang và sẽ tiếp tục tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt ở khía cạnh nguồn cung gỗ nguyên liệu.
Hiện nay, XK gỗ Trung Quốc dự kiến thiếu khoảng 60 triệu m3 gỗ. Các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc sẽ tỏa đi các thị trường thu mua, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á… gây áp lực cạnh tranh cho DN Việt Nam.
Trên thực tế, tình trạng cạnh tranh trong thu mua gỗ cao su giữa các DN Việt Nam với tiểu thương Trung Quốc đang diễn ra gay gắt. Đây chính là nguyên nhân đẩy giá gỗ nguyên liệu cao su tăng khoảng 40% trong thời gian này. Dự báo, trong tương lai, giá gỗ cao su còn tiếp tục tăng.
Đáng chú ý, giai đoạn 2020 – 2025 sẽ là thời điểm thấp điểm thanh lý gỗ cao su trong nước, lúc đó, nguồn cung mặt hàng này dự kiến còn tiếp tục giảm mạnh. Nếu tình trạng không thay đổi, nguyên liệu gỗ bị cạnh tranh gay gắt với mức giá ngày một cao, thậm chí sẽ có những DN chế biến gỗ phải phá sản.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc điều hành công ty Scansia Pacific, chia sẻ nguồn nguyên liệu mà DN này đang sử dụng đa số là gỗ keo. Gỗ keo trong nước đang trồng rất nhiều nhưng những hộ nông dân trồng manh mún, rất ít công ty có diện tích trồng lớn.
Hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu
Ông Điền Quang Hiệp, công ty Gỗ nội thất Minh Phát II, cho biết: đơn hàng những tháng gần đây tăng, song nguồn cung nguyên liệu không ổn định khiến DN khá lo lắng.
“Để đảm bảo nguồn cung, chúng tôi thậm chí phải tổ chức họp với các nhà cung ứng gỗ nguyên liệu, ứng trước tiền để họ mua cánh rừng phục vụ khai thác dần. DN phải bỏ ra một số vốn khá lớn, song dự kiến cũng chưa đủ để ổn định nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ cho DN trong khoảng 1 – 2 năm tới”, ông Hiệp cho biết.
Hơn nữa, các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar… sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách cấm XK gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng, càng tạo ra tình cảnh khan hiếm nguồn cung.
Sở dĩ ngành gỗ luôn trong tình trạng “ăn đong” nguyên liệu là do việc phát triển trồng rừng phục vụ nhu cầu sản xuất gỗ trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, diện tích trồng rừng vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế.
Vì vậy, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) kiến nghị để giữ nguồn nguyên liệu thô trong nước, Nhà nước cần ban hành các chế tài cần thiết.
BIFA nhấn mạnh ai cũng ý thức được việc XK nguyên liệu sẽ mang lại ít giá trị hơn là làm ra sản phẩm để XK, nhưng nếu không XK nguyên liệu thô thì ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt của người nông dân tham gia trồng rừng. Khi giá nguyên liệu tăng cao, không thể cấm nông dân bán nguồn nguyên liệu cho các thương lái nước ngoài.
Đồng thời, thời gian tới, cần liên kết các DN ngành gỗ với nhau, trước mắt là tập trung vào nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. “Việc liên kết này chỉ có thể thành công khi cộng đồng DN hướng đến mục tiêu chung là ngành gỗ cả nước cần đặt trọn niềm tin vào nhau”, BIFA nhấn mạnh.
Song, bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su (Hiệp hội Cao su Việt Nam), cho rằng gỗ cao su là tài sản thanh lý, các DN phải thực hiện thu mua theo cơ chế đấu giá của Nhà nước. Do đó, dù có muốn liên kết với DN chế biến gỗ, các đơn vị cũng không thể chủ động được.
Bà Hòa cho biết Hiệp hội Cao su đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sản phẩm gỗ cao su là sản phẩm chính như cao su thiên nhiên. Từ đó, các DN có thể chủ động quyền điều hành, kế hoạch rải vụ, thời gian thanh lý… gỗ nguyên liệu cao su khi cần thiết.
Khi đó, nguồn gỗ cao su cung cấp ra thị trường sẽ ổn định hơn và sự liên kết giữa các DN cao su với DN chế biến gỗ mới chủ động và bền chặt hơn.
Đặc biệt, theo Vifores, hiện nay, các DN mua gỗ từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc tìm nhà cung cấp với gỗ có nguồn gốc hợp pháp rất khó khăn.
Vì vậy, Vifores đề nghị Chính phủ xem xét cấm XK gỗ tròn, gỗ hộp, gỗ xẻ thô… như nhiều quốc gia trong khu vực đã làm; đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn mức thuế XK đối với một số mặt hàng gỗ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải có các quy định cụ thể để giúp DN biết gỗ nào là gỗ hợp pháp, tránh tình trạng bị nước sở tại “tuýt còi” vì mua phải gỗ nguyên liệu bất hợp pháp. Cũng như cần tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tham gia trồng rừng vay vốn dài hạn để duy trì rừng trồng đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất đồ gỗ XK.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, để giữ vững đà phát triển, ngành gỗ cần có thêm những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu ngành gỗ. Nếu tạo được sự đột phá trong công nghiệp phụ trợ, ngành gỗ sẽ có thêm chỗ dựa vững chắc, nâng cao năng lực cạnh tranh để tiếp tục mở rộng thị trường, tăng giá trị XK sản phẩm gỗ.
Mặt khác, các chuyên gia khuyến nghị trong khi chờ Chính phủ điều chỉnh chiến lược phát triển các vùng trồng nguyên liệu gỗ, các DN nên đẩy mạnh việc nâng cao năng suất lao động để giảm giá thành, chi phí sản xuất, nâng sức cạnh tranh. DN cũng cần chủ động nguồn nguyên liệu về lâu dài, bởi nếu không chủ động sẽ gây rất nhiều khó khăn cho chính các DN.