Theo đó, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam vừa có công văn kiến nghị gửi Bộ Công Thương cảnh báo về việc một số doanh nghiệp có ý định triển khai thực hiện hoạt động này.
Cụ thể, thông tin từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, một số doanh nghiệp của nước ngoài và Việt Nam tìm cách liên doanh để sản xuất bột giấy tái chế (tức là đánh tơi giấy phế liệu, qua các quá trình làm sạch sơ bộ, sau đó xeo thành tấm, cuộn, hay ép thành khối bột giấy) để xuất khẩu.
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, VPPA cho rằng là do một số nước trong khu vực thực hiện siết chặt việc kiểm soát môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành giấy, khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư mở rộng với công nghệ hiện đại, cũng như đầu tư ra nước ngoài để xuất khẩu giấy trở lại. Đồng thời, thắt chặt việc cấp phép nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nên các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu để sản xuất, cũng như thiếu hụt giấy thành phẩm, đặc biệt là giấy bao bì công nghiệp.
Điều đáng nói đó là nhu cầu tiêu thụ bột giấy trong nước phục vụ sản xuất giấy tiêu dùng và các sản phẩm giấy cho các ngành công nghiệp vẫn còn đang thiếu hụt rất lớn phải nhập khẩu.
Hiện nay, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp ngành giấy với năng lực sản xuất đạt khoảng 200.000 tấn bột giấy mỗi năm. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp sản xuất bột thương phẩm lớn, do đó các doanh nghiệp sản xuất giấy không chủ động được nguồn nguyên liệu.
Được biết, nguyên liệu sản xuất bột giấy là dăm gỗ thì Việt Nam lại xuất khẩu với giá trị thấp, sau đó lại nhập khẩu bột giấy, giấy với giá cao. Đã có thời điểm giá xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam chỉ khoảng 110 – 120 USD/tấn trong khi giá nhập khẩu bột giấy ở mức giao động từ 800 – 900 USD/tấn.
Bình quân hàng năm, lượng dăm gỗ xuất khẩu bình quân lên tới 7-8 triệu tấn dăm khô, tương đương 14-16 triệu m3 gỗ quy tròn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD. Thế nhưng Việt Nam bỏ ra trên 2,5 tỷ USD để nhập khẩu giấy, bột giấy.
Được biết, để sản xuất ra 1 tấn bột giấy thành phẩm, cần tới 1,2-1,3 tấn giấy phế liệu hoặc 4,1-4,3 tấn gỗ. Hiện nay, nguồn giấy phế liệu thu được trong nước để tái sử dụng rất ít chỉ chiếm khoảng 30%, số còn lại phải nhập khẩu giấy phế liệu để tái chế hoặc dùng nguyên liệu khác. Nguyên nhân được chỉ ra là Việt Nam chưa có quy định và tiêu chuẩn cho công nghiệp tái chế ở Việt Nam, hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động thu gom vật liệu tái chế chậm phát triển và chưa có chính sách khuyến khích hoạt động thu gom và tái chế.