Thị trường hấp dẫn
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thị trường dược phẩm phát triển nhanh nhất châu Á, xếp thứ 17 trong số 175 quốc gia trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 14% giai đoạn 2010 – 2017. Theo dự báo, giai đoạn 2018 – 2020, tốc độ tăng trưởng của thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt 16%/năm.
Thống kê cho thấy, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng từ 9,85 USD năm 2005 lên 22,25 USD năm 2010 và tiếp tục tăng gần gấp đôi vào năm 2015, với 37,97 USD. Riêng trong năm 2017, chi tiêu bình quân cho thuốc của người Việt khoảng 56 USD/người (khoảng 1,3 triệu đồng). Dự báo đến năm 2020, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên 85 USD và đến năm 2025 sẽ tăng lên 163 USD.
Dư địa phát triển lớn là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến làn sóng đầu tư nước ngoài vào thị trường dược phẩm Việt Nam gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Rất nhiều dự án có quy mô khá lớn đã được khởi động như Dự án Sanofi với tổng đầu tư 80 triệu USD, Dự án Nipro với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD… Hiện nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… cũng đang bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến thị trường dược phẩm Việt Nam.
Về triển vọng thị trường dược Việt Nam, Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản nhận định: “Với dân số hơn 90 triệu người, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao do tuổi thọ tăng, mức sống cải thiện, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế được cải tiến, cơ chế chính sách thông thoáng hơn, thị trường dược phẩm Việt Nam hứa hẹn sẽ là “điểm nóng” trong khu vực những năm tới”.
Vốn FDI vào lĩnh vực dược phẩm còn khiêm tốn
Tuy đã khởi sắc hơn nhưng việc thu hút FDI vào lĩnh vực dược phẩm vẫn còn rất khiêm tốn. Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, mặc dù dược phẩm được đánh giá là một trong những lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, nhưng thực tế việc đầu tư vẫn nhỏ lẻ, dàn trải, chưa tập trung và chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo thống kê, cả nước hiện mới có gần 50 dự án FDI vào ngành dược phẩm, trong đó có hơn 30 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 500 triệu USD. Trong số đó, chiếm nhiều nhất là dự án sản xuất thuốc với khoảng 30 dự án và chỉ có chưa đến 10 dự án đầu tư vào dịch vụ bảo quản thuốc. Đây là con số rất khiêm tốn so với tổng số vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung tại Việt Nam.
Điều đáng nói là trong tổng số hơn 150 nhà máy thuốc đạt chuẩn GMP-WHO, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có hơn 30 nhà máy có vốn FDI, với 50 dây chuyền sản xuất thuốc, chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất thuốc của các nhà máy dược phẩm trong cả nước. Hơn nữa, phần lớn các sản phẩm thuốc được đầu tư sản xuất mới chỉ dừng lại ở các loại thuốc thông thường, thiết yếu, mà chưa có nhiều loại thuốc chuyên khoa, đặc trị có giá trị cao.
Không chỉ FDI vào ngành dược còn khiêm tốn, ngay cả đầu tư trong nước vào lĩnh vực này cũng rất hạn chế. Đến nay, sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc. Do đó, hàng năm nước ta vẫn phải chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu thuốc, nhất là các loại thuốc đặc trị.
Để tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược phẩm, các chuyên gia cho rằng cần phải có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này một cách hấp dẫn, cụ thể. Cần chú trọng thúc đẩy sự liên doanh liên kết với nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất nhượng quyền cho các doanh nghiệp nước ngoài đối với thuốc biệt dược; quảng bá, kêu gọi các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu chưa sản xuất được, thuốc có dạng bào chế công nghệ cao.