Theo bà Nguyễn Vân Nga, đại diện Bộ Công thương, nhu cầu mua sắm của gia đình trẻ Việt Nam đã thay đổi theo hướng ưa chuộng thực phẩm chế biến sẵn, và các DN Việt Nam có thế mạnh về nguồn nguyên liệu, lại nắm bắt tốt khẩu vị và nhu cầu của thị trường cũng như người tiêu dùng. Bà Nga cũng cho rằng mức tăng trưởng của ngành chế biến lương thực thực phẩm sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 15%/năm trong vòng 5 năm tới.
Cùng với đó, Tổ chức giám định kinh doanh quốc tế BMI cũng dự báo tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm và đồ uống tại châu Á sẽ cao hơn trong giai đoạn 2016 – 2019. Với dân số 93 triệu người, 56% trong số đó dưới 30 tuổi, thu nhập đang được cải thiện, cùng với thói quen mua sắm thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến được cho là những điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng trong khu vực.
Để phát huy thế mạnh đó và xúc tiến thương mại ngành thực phẩm, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các hiệp hội ngành hàng đã tổ chức các triển lãm Quốc tế chuyên ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam (VietFood & Beverage) và Triển lãm Thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm và đồ uống Việt Nam (Propack), bắt đầu từ năm 1999.
Qua 21 lần tổ chức thường kỳ đã ghi nhận những tăng trưởng đáng kể của các DN tham gia, bao gồm các DN trong và ngoài nước. Năm 2015 có khoảng 250 DN tham gia, năm 2016 là 315 DN, đến năm 2017 là 500 DN góp mặt, và năm 2018 là 550 DN. Những con số này tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển cũng như sức hút của thị trường Việt Nam trong ngành thực phẩm – đồ uống.
Theo các chuyên gia kinh tế, mô hình triển lãm với các DN nước ngoài tích cực tham gia sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại các KCN, tạo việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm trở nên đa dạng hóa và tiện ích. Song song với đó, còn kích thích các DN trong nước tích cực đổi mới để hòa vào sân chơi thương mại chung.
Cùng với đó, sự có mặt của các “ông lớn” trong ngành đồ uống như Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Heineken Việt Nam, Coca – Cola Việt Nam, Tân Hiệp Phát… sẽ mang đến sức hấp dẫn cho đối tác, các DN nước ngoài.
Giám đốc Sở Công thương TP. HCM Phạm Thành Kiên nhận định, Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng được xem là những thị trường nhiều tiềm năng đối với ngành chế biến thực phẩm và đồ uống. Cùng với đó, chế biến lương thực thực phẩm là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu mà TP. Hồ Chí Minh đang tập trung nâng cao và phát triển.
Vì thế, thành phố đã hỗ trợ đầu tư cho các DN trong ngành theo hướng chuyển dịch tinh chế, ứng dụng công nghệ mới cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao, giảm dần việc phát triển theo chiều rộng, tập trung phát triển chiều sâu bằng các công nghệ hiện đại.