Nếu như năm trước ở thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp đang trong cao điểm sản xuất thì năm nay, hình ảnh cửa đóng, then cài, nhà kho trống rỗng, máy móc nằm ngổn ngang… lại xuất hiện ở các doanh nghiệp sản xuất điều.
Doanh nghiệp “nằm chờ” 500.000 tấn điều “tắc” cảng
Cụ thể, trong số hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 nhà máy, cơ sở chế biến điều xuất khẩu của tỉnh Bình Phước, thì có khoảng 480 đơn vị buộc phải đóng cửa, chiếm 80%.
Không riêng câu chuyện của doanh nghiệp tỉnh Bình Phước, tại Long An, cũng có 21/33 doanh nghiệp điều đã đóng cửa tại thời điểm hiện tại.
Nguyên nhân do thiếu nguyên liệu và hệ quả kéo theo là hàng ngàn lao động đã phải nghỉ việc. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) trong những tháng đầu năm 2018, do giá nguyên liệu điều nhập khẩu ở mức cao (trung bình 2.100 USD/tấn), trong khi giá điều nhân giảm khá nhanh đã khiến hàng loạt doanh nghiệp ngành điều phải chấp nhận bỏ tiền đặt cọc để hủy hợp đồng nhập khẩu đã ký với đối tác nước ngoài.
Kết quả là có khoảng 500.000 tấn điều thô đang trên đường đến Việt Nam hoặc đang nằm tại kho ngoại quan không được vận chuyển về trong nước. Điều này khiến cho 30% doanh nghiệp ngành điều phải tạm đóng cửa vì không có nguyên liệu chế biến.
Cùng với đó, tình trạng khó khăn của ngành điều còn thể hiện ở lượng hàng tồn kho suy giảm nghiêm trọng, trong khi giá cả và nhu cầu của thị trường quốc tế vẫn tăng, trung bình khoảng 6%/năm.
Nói như ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Vinacas, mới đây, các doanh nghiệp điều đã đàm phán lại giá mua nguyên liệu, giảm được từ 150 – 300 USD/tấn. Với mức giá này, doanh nghiệp điều sẽ có lợi thế lớn trong sản xuất. Tuy nhiên, bài toán vốn vẫn đang khiến các doanh nghiệp “giậm chân tại chỗ”.
Câu chuyện khát nguyên liệu của ngành điều kể trên là một ví dụ thực tế cho thấy thành công hay thất bại của một ngành hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập.
Riêng với sản xuất điều trong nước, đầu năm nay, ngành điều kỳ vọng sản lượng điều thô sẽ đạt khoảng 400 đến 500 nghìn tấn, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, sản lượng niên vụ điều 2017-2018 ở nước ta dự kiến chỉ đạt khoảng 300 nghìn tấn. Bởi vậy, phần lớn lượng điều thô phục vụ chế biến điều nhân xuất khẩu của nước ta đều phải nhập từ các quốc gia khác.
Thực tế đây cũng là câu chuyện “cơm bữa” của ngành điều tại quốc gia chế biến và xuất khẩu điều lớn nhất thế giới là Việt Nam. Trước đó, năm 2017, cả nước chế biến hơn 1,6 triệu tấn nguyên liệu nhưng nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 220 nghìn tấn, phần còn lại phải nhập khẩu.
Mô hình khép kín đảm bảo nguyên liệu
Một nghịch lý là, ở các mặt hàng nông sản khác, thách thức lớn nhất là “đầu ra” cho sản phẩm, còn với ngành điều thì ngược lại, nhu cầu của khách hàng vẫn rất lớn, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước sản xuất vẫn rất hạn chế. Mặc dù rủi ro về chất lượng từ nguyên liệu nhập khẩu là điều ai cũng thấy, nhưng bao năm qua đi ngành điều vẫn chưa giải được bài toán “khát” nguyên liệu. Nguyên nhân bởi, ở ngành điều, , tình trạng manh mún vẫn đang rất phổ biến với khoảng 450 doanh nghiệp xuất khẩu và hơn 1.000 cơ sở chế biến nhỏ lẻ.
Việc liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến với nông dân trồng điều mặc dù được đặt ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa có những mô hình hiệu quả.
Trước thực trạng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nhân chỉ nên ký hợp đồng giao dịch khi chủ động được nguồn hàng nguyên liệu. Ðiều đó sẽ phần nào hạn chế được những thua thiệt trong giao dịch xuất khẩu.
Được biết, mới đây, ngành này đã đề xuất Chính phủ gói tín dụng 800 triệu USD để các doanh nghiệp điều mua khoảng 500.000 tấn điều thô phục vụ chế biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây chỉ là giả pháp tạm thời. Về lâu dài, muốn phát triển ổn định, bền vững, ngành điều buộc phải từng bước chủ động nguồn nguyên liệu và để làm được điều đó, ngành nông nghiệp cần rà soát tổng thể diện tích trồng điều ở các địa phương, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
“Đã đến lúc ngành điều cần có kế hoạch dài hạn cho việc xây dựng các vùng nguyên liệu bền vững. Hiện nay nhiều ngành hàng nông sản đã thực hiện khá tốt các mô hình khép kín, ngành điều có thể ứng dụng mô hình này”, Chủ tịch Vinacas cho biết.
Đặc biệt, nâng cao giá trị sản phẩm cũng là yêu cầu được đặt ra với ngành. Theo đó, ngành điều Việt Nam trước giờ hầu hết là gia công, biên độ lợi nhuận thấp nên khi giá giảm sâu đã phải bán đổ bán tháo để có dòng tiền xoay xở các vấn đề trước mắt. Để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ vào nhà máy chế biến điều rang chiên giá trị cao, nâng cao chất lượng và hướng tới xuất khẩu chủ yếu sang những thị trường khó tính.
Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước ước đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ 2017. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước trên 750 triệu USD, giảm 40,7% so với cùng kỳ.
Mỹ hiện vẫn là nước nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% thị phần, sau đó là Trung Quốc với 10% thị phần, còn lại là các thị trường khác.