Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá điều trong nước vẫn tiếp tục ở mức thấp. Tháng 9, giá hạt điều tại Bình Phước giảm so với tháng 8, trong khi giá tại Đắk Lắk ổn định.
Ngày 25/9, tại các huyện Bù Gia Mập và Phước Long của tỉnh Bình Phước, giá hạt điều khô ở mức 36.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với tháng 8. Tại tỉnh Đắk Lắk, giá hạt điều khô ổn định ở mức 41.000 – 43.000 đồng/kg.
Xuất khẩu tiếp tục mất giá
Theo ước tính, lượng hạt điều xuất khẩu (XK) tháng 9 đạt 30 nghìn tấn, trị giá 252 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 15,3% về trị giá so với tháng 8; giảm 8,7% về lượng và giảm 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Lũy kế 9 tháng, XK hạt điều đạt 273 nghìn tấn, trị giá 2,5 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng nhưng giảm 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
XK hầu hết các loại hạt điều đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2018, XK hạt điều loại W320 đạt 121 nghìn tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng và giảm 10,2% về trị giá so với cùng kỳ.
Thời gian tới, giá hạt điều thế giới có khả năng sẽ phục hồi trở lại do nguồn cung hạn chế vì hiện không phải là vụ thu hoạch hạt điều của các nước sản xuất lớn; nhu cầu tiêu thụ được dự báo sẽ tăng trở lại do Ấn Độ – quốc gia tiêu thụ khoảng 38 – 42% sản lượng điều thế giới, sắp bước vào mùa lễ hội Diwali bắt đầu từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11.
Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, ngành điều cần phải thay đổi. Trước mắt, theo đánh giá của các chuyên gia, khi nhu cầu thế giới tăng, doanh nghiệp (DN) nên bình tĩnh, ổn định tâm lý để giữ giá bán vì nguồn cung không còn nhiều.
Về lâu dài, ngành điều cần phải tái cơ cấu. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhu cầu tiêu thụ hạt điều thế giới tăng bình quân 3-5% nhưng Việt Nam tăng sản lượng trên 25% khiến nguồn cung dư nội bộ.
Nguyên nhân là do các nhà máy ào ạt thành lập và nhập nguyên liệu, tăng tốc sản xuất và đẩy hàng ra cùng lúc, dẫn tới các nhà nhập khẩu nước ngoài ép giá.
Các DN trong nước hiện đang phải nhập khẩu tới 65% điều nguyên liệu từ Ấn Độ, các nước châu Phi để phục vụ việc chế biến điều nhân.
Tìm chỗ đứng trên “sân nhà”
Qua khảo sát tại các vùng trồng điều chính ở Việt Nam cho thấy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch hại, sản lượng điều ở một số khu vực của tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận giảm tới 80% so với năm trước.
Ông Hồ Ngọc Cầm, Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu nông lâm sản Phương Minh (Bình Phước), cho biết việc các nhà máy nhỏ “mọc lên như nấm” trong mấy năm qua khiến cho việc mua bán điều thô, nhân điều trở nên phức tạp, rối ren, khó kiểm soát được giá cả, gây ra nguy cơ rủi ro lớn cho cả ngành điều.
Bên cạnh đó, để giải quyết thực trạng của ngành điều, giải pháp quan trọng là phải hình thành được các chuỗi liên kết giữa DN và các vùng nguyên liệu. Hiện nay, chỉ tính riêng ở Bình Phước, nhiều DN thành lập các HTX trồng điều sạch, điều hữu cơ để phục vụ cho XK. Đây cũng là một hướng đi nhằm phát triển mạnh về chất cho ngành điều.
Với cách làm này, DN có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, sản xuất sạch hơn và chế biến sâu hơn, phát triển mạnh hơn thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng ngành điều không chỉ chú ý thị trường trong nước mà phải coi đây là thị trường tiềm năng, một lợi thế để ổn định về mặt thương mại. Nếu quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài thì việc phát triển thị trường lệch lạc, không đầy đủ, không hết chuỗi giá trị.
Theo đề án phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT, để ngành điều phát triển bền vững cần hội đủ các yếu tố thâm canh, trồng xen, cải tạo giống, chuyển giao kỹ thuật trồng điều cho nông dân, hình thành tổ chức sản xuất cho người trồng điều và đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu điều.
Cùng với đó, đầu tư vào công nghệ, máy móc hiện đại để sản xuất thêm nhiều sản phẩm hạt điều có giá trị gia tăng cao.