Điểm cộng lớn từ quốc tế
Tại thông báo, Moodys cho biết cơ sở nâng định hạng tín nhiệm này dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, với sự hậu thuẫn của việc sử dụng ngày càng có hiệu quả nguồn lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế. Một tiêu chí quan trọng nữa để tổ chức đánh giá tín nhiệm này quyết định nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam đó là sự cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng.
Tiếp đó, hôm 15/8, Moodys tiếp tục nâng xếp hạng đối với 14 NHTM Việt Nam. Cụ thể, Moodys đã nâng định hạng tín nhiệm tiền gửi và nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn đối với 3 ngân hàng là Vietcombank, BIDV và VietinBank. Tổ chức này cũng nâng định hạng rủi ro đối tác (CRR) và đánh giá rủi ro đối tác (CRA) dài hạn của VietinBank và BIDV, song vẫn giữ nguyên các đánh giá này đối với Vietcombank.
Đồng thời, Moodys cũng nâng mức xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của ACB, MB và Techcombank; nâng mức xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ và nội tệ dài hạn của 5 ngân hàng khác gồm ABBank, LienVietPostBank, TPBank, VIB và VPBank. Bên cạnh đó, Moodys cũng nâng các đánh giá CRR và CRA dài hạn cho các ngân hàng là SHB, HDBank và OCB.
Triển vọng đối với định hạng tín nhiệm tiền gửi và nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ của 8 ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, TPBank, VIB và VPBank được Moodys chuyển sang “ổn định” từ “tích cực”.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, có 3 nguyên nhân chính để các ngân hàng Việt Nam được nâng hạng. Một là, trước đó Moodys đã nâng bậc tín nhiệm quốc gia. Theo đó, các ngân hàng lớn có yếu tố nhà nước thường được các tổ chức này nâng hạng theo hạng tín nhiệm quốc gia.
Hai là, trong hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng có cải thiện nhất định như nợ xấu được xử lý tích cực… Bản thân hoạt động từng NHTM cũng có nhiều biến chuyển tốt. Chính vì thế có những NHTM được nâng hạng được cả hai tiêu chí, có ngân hàng được nâng một tiêu chí.
Thứ ba, dự trữ ngoại hối được tăng cường.
Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia bổ sung thêm, những ngân hàng được thăng hạng đều có sự ổn định khá vững chắc về các chỉ tiêu an toàn thanh khoản, tỷ lệ khả năng chi trả tức thời và đều là những ngân hàng hoạt động hiệu quả trên thị trường liên ngân hàng và thị trường trái phiếu Chính phủ… góp phần vào sự ổn định về thanh khoản của toàn hệ thống trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây.
Sau nâng hạng tín nhiệm…
Việc các ngân hàng liên tục được nâng hạng tín nhiệm quốc tế được Moodys đánh giá có ý nghĩa quan trọng cải thiện tích cực niềm tin của các nhà đầu tư đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đại diện LienVietPostBank cho biết, việc được Moodys nâng hạng tín nhiệm sẽ giúp ngân hàng cải thiện khả năng huy động nguồn vốn trung dài hạn, góp phần điều chỉnh cơ cấu huy động theo hướng bền vững, thực hiện đúng định hướng bán lẻ của LienVietPostBank.
Hiện nay, tỷ trọng bán lẻ trong huy động của LienVietPostBank đạt khoảng 60% và trong cho vay là 50%. Trong những năm tới, ngân hàng tiếp tục chuyển dịch mạnh sang cơ cấu bán lẻ, đảm bảo tỷ trọng bán lẻ trên tổng số dư huy động và tổng dư nợ cho vay đạt 80%.
Lợi ích lớn nữa khi điểm tín nhiệm quốc tế cao được TS. Cấn Văn Lực bổ sung thêm là chi phí huy động vốn nước ngoài thấp hơn do rủi ro đánh giá thấp hơn. Khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhận định tích cực hơn chứng tỏ môi trường kinh doanh cải thiện, qua đó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp, gián tiếp. Trong đó hứa hẹn sẽ hút thêm nhiều cổ đông chiến lược nước ngoài có uy tín tới đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam.
Tuy đã có những bước chuyển biến rõ nét nhưng theo nhận xét của giới chuyên môn, chưa thể hài lòng với kết quả đạt được nhất là xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng vẫn chưa ở nhóm đối tượng khuyến khích tích cực đầu tư, mà cần phải tiếp tục nâng tín nhiệm ở mức cao hơn nữa.
Tất nhiên, ngân hàng không thể được xếp hạng tín nhiệm cao hơn tín nhiệm quốc gia, nhưng theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, “sức khoẻ” của các ngân hàng là căn cứ rất quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế quyết định nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Do vậy, trước hết để góp phần nâng hạng tín nhiệm quốc gia, trong điều hành chính sách của NHNN tập trung giải quyết những lo ngại mà các định chế tài chính nước ngoài đã nêu như kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu, thực hiện tốt Quyết định 1058 về tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 cùng với Quyết định 896 của Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030… để qua đó cải thiện năng lực tài chính, quản lý rủi ro, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Còn đối với bản thân các NHTM, đặc biệt phải lưu ý tập trung cải thiện trong thời gian tới đó là cần phải thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu. Vì Moodys đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt tuy đã được cải thiện, nhưng còn khá mong manh, nên không được chủ quan và phải có bước chuyển biến nhanh hơn cả về chất và lượng.
Theo các chuyên gia, để tiếp tục thăng hạng các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính. Đây là vấn đề rất quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động ngân hàng có thể dễ dàng xoay xở khi thị trường có biến động. Một vấn đề nữa mà TS. Lực lưu ý ngân hàng cần được ưu tiên xử lý trong thời gian tới là kiểm soát tốt tăng trưởng và chất lượng tín dụng.
Hiện tại, đối với vấn đề tăng trưởng tín dụng, nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị, phải kiểm soát tín dụng cả về quy mô cũng như chất lượng, quy mô tín dụng chỉ vào khoảng 130% GDP.
“Đây là nhân tố quan trọng nhất quyết định chất lượng tài sản ngân hàng cũng như tạo nền tảng tốt giúp ngân hàng phát triển bền vững. Vì tín dụng chiếm tới 80% thu nhập của các ngân hàng. Chất lượng tín dụng càng cao thì chắc chắn chất lượng tài sản càng tốt”, TS. Lực nhấn mạnh.