Theo thông tin đó, Fitch nâng bậc tín nhiệm của MB nhưng lại giữ nguyên bậc tại Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) – 5 thành viên mà hãng đưa ra kết quả xếp hạng.
Như với kết quả trên, các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện có cấp độ khác nhau, ở các khía cạnh và tiêu chí đánh giá khác nhau, được các tổ chức quốc tế xếp hạng và đánh giá lại định kỳ.
Hàng năm, những tổ chức này cập nhật các kết quả xếp hạng, rời rạc theo nhóm hoặc theo riêng lẻ. Thị trường cũng tham khảo về tình hình hoạt động của các ngân hàng ở các góc độ, khía cạnh đánh giá như vậy.
Còn ở mặt bằng chung, bao trùm chất lượng và an toàn, can thiệp trực tiếp vào hoạt động của mỗi thành viên, cũng là các chuẩn mực cao nhất và chung nhất mà các ngân hàng thương mại Việt Nam đang hướng đến thực hiện là Basel 2.
Yêu cầu đáp ứng Basel 2 đã được đặt ra tại Việt Nam từ nhiều năm trước; đã từng xác định 10 thành viên thí điểm, manh nha từ 2015, đến 2016, dự kiến từ 2017 và hiện sẽ phải chờ đến 2020 để có thể thực hiện được.
Về mặt thông tin chính thức, hiện duy nhất mới chỉ Ngân hàng Phương Đông (OCB) tuyên bố đã hoàn tất triển khai Basel 2.
Không tuyên bố không hẳn là Việt Nam hiện mới chỉ có một trường hợp đủ sức nâng được mức tạ này.
Trả lời VnEconomy mới đây, một lãnh đạo của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khẳng định họ đã áp dụng các chuẩn mực Basel 2 trong hoạt động một năm qua, nhưng còn “ngại” công bố.
Bởi vì, vị lãnh đạo trên lý giải, nếu công bố có thể khiến khách hàng, nhà đầu tư nhầm theo hướng không thuận lợi. Do các chuẩn mực Basel 2 không cùng một mặt bằng đang áp dụng chung cho cả hệ thống hiện nay, dẫn đến lồi lõm về mặt số liệu công bố mà cảm quan đơn giản người tiếp nhận có thể hiểu sai.
Đơn cử như, ngân hàng hiện có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là 12%, cao hơn nhiều theo mức tối thiểu 9% mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Nhưng nếu áp dụng theo Basel 2, tỷ lệ đó bị giảm xuống còn khoảng 10 – 10,5%, mà nếu công bố lại có thể bị nhầm lẫn là “kém” so với những thành viên khác chưa áp dụng.
Hay tại Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), lãnh đạo chuyên trách cũng cho biết ngân hàng đã triển khai xong mô hình theo Basel 2 từ cuối năm 2016, từ năm 2017 đã bắt đầu chạy, nhất là sau khi đã tất toán xong các khoản nợ xấu từng bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ giữa năm 2017.
Tất toán sạch nợ xấu tại VAMC, đưa số liệu “về một sổ” cũng là thách thức với phần lớn các ngân hàng thương mại hiện nay, trước khi tính đến việc thực hiện toàn diện Basel 2. Hiện mới chỉ số ít thành viên như Vietcombank, Techcombank, MB… đã tất toán xong.
Nhưng như với Vietcombank, mô hình đã sẵn sàng, các đề án đã chuẩn bị, là thành viên đầu tiên xóa sạch nợ xấu tại VAMC, nhưng để nâng mức tạ trên lại cần phải tiếp tục gia cố tỷ lệ CAR.
Trở ngại đảm bảo tỷ lệ CAR theo chuẩn Basel 2 cũng là thực tế chung tại các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank). Vì nhóm này đã khoảng ba năm qua vẫn chưa tăng mạnh được vốn điều lệ, trong khi vẫn phải thúc đẩy mở rộng tín dụng, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, kế hoạch phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn kỳ vọng có thể thực hiện được trong nửa đầu năm nay.
Vừa qua thị trường cũng chú ý về thông tin nhà đầu tư Hàn Quốc đang xúc tiến kế hoạch đầu tư, qua đó mở ra khả năng BIDV có thể cũng tăng được vốn (?). Giải pháp của VietinBank thì phải chờ gợi mở tại đại hội đồng cổ đông tháng 4 tới. Còn Agribank, chưa cổ phần hóa, nên sẽ phải chờ ngân sách Nhà nước có cấp thêm vốn hay không.
Ở trên cũng là những thành viên có trong nhóm 10 ngân hàng thương mại Việt Nam đầu tiên được xác định thí điểm Basel 2 từ hơn hai năm trước. Nhưng đến nay, bên cạnh hạn chế về tăng vốn ở một số trương hợp, có thành viên thực tế cũng đã thay đổi lớn về tình hình sức khỏe so với thời điểm xác định trước đây, thậm chí phải có cơ chế hỗ trợ tái cơ cấu…
Theo đó, cũng như theo mục tiêu đề án tái cơ cấu hệ thống, dự kiến phải đến năm 2020 Việt Nam mới có thể có những đánh giá mở rộng hơn, toàn diện hơn về kết quả cuối cùng những thành viên nào thực sự thực hiện được đầy đủ Basel 2.