Trên thị trường hiện tại có khá nhiều loại thẻ thanh toán được các nhà băng phát hành để phục vụ nhu cầu sử dụng mọi dịch vụ du lịch, mua sắm, giải trí… của khách hàng trên toàn cầu.
Điểm sơ, có thể thấy thị trường thẻ thanh toán đang hiện diện các sản phẩm gắn liền thương hiệu của cả nhà băng lớn, nhà băng nhỏ lẫn các tổ chức, chí nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài…
Hai trong nhóm nhà hợp tác phát triển thẻ mà các nhà băng Việt ưa chuộng kết hợp sản phẩm là Visa và JCB. Trong đó, nếu như Visa đến từ Mỹ có độ mở rộng ảnh hưởng/giao dịch trên toàn thế giới; tổ chức này không trực tiếp phát hành thẻ, gia hạn tín dụng hay đưa ra các loại tỷ giá và mức phí mà các ngân hàng đối tác sẽ cung cấp dịch vụ để khách hàng có thể thực hiện thanh toán trong và ngoài nước; thì JCB đến từ Nhật Bản thu hút được khá đông khách hàng sử dụng loại thẻ JCB liên kết. Các nhà băng Việt cũng ưa chuộng kết hợp cùng đối tác Visa và JCB để phát hành thẻ đa dạng như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước và ở các hạng khác nhau.
Theo thống kê của Visa, thị trường châu Á – Thái Bình Dương đang chiếm 23% tổng số lượng thanh toán toàn cầu của Công ty thanh toán này. Ghi nhận trên còn khá ít so với dân số của khu vực, vốn có số dân đông nhất thế giới. Trong khi đó, thống kê của PwC cho biết thị trường thanh toán không tiền mặt của Việt Nam (được xem là một trong những tăng trưởng nhanh nhất của Visa), thực tế mới chỉ có 2% khách hàng sở hữu thẻ tín dụng, 31% có tài khoản ngân hàng và chỉ 10% các giao dịch hàng ngày là phi tiền mặt. Dư địa của ngành tài chính ngân hàng và các dịch vụ, sản phẩm đáp ứng nhu cầu và xu hướng công nghệ 4.0, theo đó là rất lớn.
Theo số liệu lũy kế cuối quý II/2018 của hệ thống ngân hàng Việt Nam, tính chung tất cả các loại thẻ phát hành đạt 141,59 triệu thẻ. So với con số hơn 110 triệu thẻ được tạm tính ở cuối 2017 thì rõ ràng tốc độ tăng trưởng phát hành thẻ của các nhà băng là rất lớn. Một cuộc đua để cạnh tranh thị phần trên thị trường mà theo các chuyên gia thanh toán quốc tế, vẫn còn sơ khai đối với thanh toán phi tiền mặt trong nhu cầu tiêu dùng mua sắm lại đang ở mức cao, đang diễn ra quyết liệt giữa các ngân hàng.
Không chỉ tăng trưởng mạnh về dịch vụ ngân hàng hiện đại, Vietcombank, ngân hàng dẫn đầu về dịch vụ thẻ ở Việt Nam cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả ở lượng phát hành thẻ lẫn doanh số thanh toán. Số liệu cuối năm 2017, theo Báo cáo Thường niên của Vietcombank cho biết, ngân hàng tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường về hoạt động thẻ với: (i) Doanh số thanh toán thẻ tăng 31,67% so với cùng kỳ; (ii) Số lượng phát hành thẻ tín dụng quốc tế tăng 1,35% so với cùng kỳ; (iii) Doanh số sử dụng thẻ tăng 24,18% so với cùng kỳ; (iv) Mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tăng thêm 11.773 đơn vị. Bên cạnh đó, dịch vụ Online Banking và SMS chủ động có mức tăng trưởng khá, thực hiện kế hoạch tương ứng ở mức 123,8% và 135,5%.
Trong cuộc đua tranh này, các ngân hàng quy mô nhỏ cũng đang có những bước chạy khá quyết liệt. Mới nhất trên thị trường, Kienlongbank đã kết hợp với JCB cho ra mắt thẻ tín dụng quốc tế Kienlongbank JCB.
“Với nhiều đặc quyền và tiện ích dành cho chủ thẻ như mạng lưới chấp nhận thẻ với gần 30 triệu đối tác trên toàn thế giới…, JCB mong muốn thẻ tín dụng quốc tế Kienlongbank JCB sẽ trở thành giải pháp thanh tiện lợi cho khách hàng, hướng tới dẫn đầu thị phần thẻ ở Việt Nam” – Trưởng đại diện tổ chức thẻ quốc tế JCB, ông Tomoaki Yamaguchi, cho biết.
Theo bà Trần Tuấn Anh, Thành viên HĐQT,TGĐ Kienlongbank, trong định hướng hoạt động dài hạn, Kienlongbank đặt mục tiêu trở thành 1 trong 15 ngân hàng bán lẻ hàng đầu và đặc biệt thúc đẩy ngân hàng điện tử, mang đến nhiều công cụ thanh toán, kết nối tiện ích trên nền tảng công nghệ số cho khách hàng. Và sự ra đời của thẻ tín dụng quốc tế Kienlongbank JCB là một trong những bước ngoặt với chính Kienlongbank cũng như đánh dấu cột mốc của ngân hàng trên chặng đường hướng tới mục tiêu đó.
“Một điều khá ngạc nhiên trong sử dụng thẻ tín dụng, các nhà băng nhỏ thường có mức phí thấp hơn các nhà băng lớn. Tính chung các chi phí cơ bản đôi khi thẻ tín dụng của nhà băng nhỏ cũng thấp hơn. Dịch vụ hỗ trợ tùy thuộc từng ngân hàng. Do đó, chúng tôi luôn cân nhắc cả từ chi phí cơ bản đến dịch vụ hỗ trợ và độ mở về điểm kết nối mà các nhà băng có thể cung cấp trước khi chọn ưu tiên dùng loại thẻ nào và của nhà băng nào”, một khách hàng cho biết.
Nói cách khác, bên cạnh sự liên kết cùng các tổ chức tín dụng, thanh toán quốc tế để phát hành thẻ và mở rộng cung cấp, mở rộng điểm kết nối phục vụ khách hàng, bài toán chi phí và cạnh tranh phí thấp đang được xem là một trong những “vũ khí” của các nhà băng đi sau trên thị trường lựa chọn
Đại diện Kienlongbank khẳng định, trong đợt ra mắt thẻ Kienlongbank JCB, ngân hàng thực hiện miễn phí hoàn toàn các loại phí như: Phí phát hành thẻ; phí thường niên năm đầu tiên, miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày, rút tiền tại ATM Kienlongbank, thông báo tin nhắn đến điện thoại khi thực hiện giao dịch. Đây sẽ là một trong những ưu đãi hút khách hàng mới trải nghiệm dịch vụ thẻ tín dụng quốc tế ở các hạng khác nhau mà loại thẻ này được thiết kế.
Dù vậy, ghi nhận từ thị trường, với hệ sinh thái “chạm để thanh toán” ngày càng phong phú với các loại thẻ, QRCode, công nghệ PayWave – Câu chuyện “vẫy thẻ, quẹt điện thoại” dường như sẽ còn đòi hỏi các nhà băng chú trọng hơn nữa đến việc thiết kế dịch vụ sao cho có thể thể hiện cả sự tiện ích, lợi ích lẫn “đẳng cấp” chủ sở hữu thẻ. Cuộc đua dịch vụ thẻ trên đường phát triển ngân hàng thời công nghệ 4.0 thực tế mới chỉ bắt đầu.