Thời cơ đã đến
Những năm trước, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thoái vốn đáp ứng theo quy định tại Điều 55, Luật Các tổ chức tín dụng, do diễn biến thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu giảm. Song 2 năm trở lại đây, vấn đề này đã được giải quyết, cổ phiếu ngân hàng dần trở lại ngôi “vua”, việc thoái vốn của các ngân hàng thuận lợi hơn khi thu hút được nhà đầu tư quan tâm.
Nhiều ngân hàng gặp thuận lợi khi thoái các khoản đầu tư trong nửa đầu năm nay, thu được hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng khi giá cổ phiếu tăng. Tại Vietcombank, không chỉ đạt lãi cao trong kinh doanh, Ngân hàng còn thu về 340 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Saigonbank và Công ty Tài chính Xi măng; 172 tỷ đồng từ thoái vốn khỏi OCB. Hiện Vietcombank còn nắm giữ cổ phần tại MB và Eximbank. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), việc thoái vốn khỏi 5 tổ chức tín dụng trên có thể đem về cho Vietcombank khoản lợi nhuận lên đến gần 2.500 tỷ đồng.
Với diễn biến tích cực của cổ phiếu STB (Sacombank) thời gian qua, Kienlongbank cũng “tranh thủ” giảm lượng cổ phiếu STB sở hữu. Theo báo cáo tài chính quý I/2018 của Kienlongbank, khoản mục đầu tư vào chứng khoán vốn của các ngân hàng đã giảm hơn một nửa sau 3 tháng đầu năm 2018, từ 521 tỷ đồng xuống còn 230 tỷ đồng. Cùng với việc giảm giá trị các khoản đầu tư này, nguồn thu lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư quý I/2018 của Ngân hàng cũng tăng vọt lên 43 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần cùng kỳ.
Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, từ ngày 29/11/2017 đến 19/1/2018, Eximbank đã thoái vốn đối với khoản đầu tư cổ phiếu STB bằng phương thức khớp lệnh trên sàn. Giá bán bình quân của cổ phiếu này là 14.064 đồng/cổ phiếu, giá cao nhất là 15.600 đồng và thấp nhất là 12.300 đồng. Thu nhập từ thoái vốn đối với khoản đầu tư này đã đóng góp vào lợi nhuận tổng cộng gần 648 tỷ đồng cho Eximbank.
Cần quyết liệt hơn
Theo thông tin được đưa ra từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng, đến cuối năm 2017, không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn tại các tổ chức tín dụng. Số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp. Sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp. Số tổ chức tín dụng sở hữu hơn 15% chỉ còn 3-4 trường hợp, so với 19 trường hợp vào năm 2012.
Thị trường từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp nhà nước rót vốn vào ngành hot ngân hàng, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Trong đó, khoản đầu tư của PVN vào OceanBank trị giá 800 tỷ đồng tính theo mệnh giá đã tiêu tan khi OceanBank thua lỗ, bị mua lại bắt buộc. Thời điểm này, Petrolimex vẫn đang nắm 40% cổ phần tại PGBank, nhưng sắp tới, khi PGBank hoàn tất sáp nhập vào HDBank, Petrolimex buộc thoái khoản vốn này.
Không phải là doanh nghiệp, nhưng Văn phòng Thành ủy TP.HCM cũng bị cuốn vào “cơn sốt” ngân hàng. Hiện tại, đây là cổ đông lớn nhất tại Saigonbank khi sở hữu 18,18% vốn. Tại DongA Bank, Văn phòng Thành ủy TP.HCM là cổ đông lớn thứ 3, khi sở hữu 6,87% vốn.
Luật Các tổ chức tín dụng quy định, các tổ chức chỉ được sở hữu tối đa 15% vốn ngân hàng. Trong khi đó, tại Saigonbank, ngoài cổ đông lớn trên, còn có tới 3 đơn vị vượt quy định này là Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận, Công ty TNHH một thành viên Du lịch Thương mại Kỳ Hòa và Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM lần lượt nắm giữ 16,54%, 16,35% và 14,08% vốn Saigonbank.
Một chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng, quy định trên được đánh giá là quan trọng để kiểm soát ngân hàng cùng với thành viên HĐQT, HĐTV có “sân sau” trong hoạt động tín dụng, góp vốn mua cổ phần. Vì vậy, lộ trình thoái vốn là cần thiết để tái cấu trúc ngành, xóa được sở hữu chéo và phải được thực thi quyết liệt hơn.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, với 2 khoản đầu tư còn lại ở MB và Eximbank, tuy đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ lại 5% tại mỗi tổ chức tín dụng, nhưng chủ trương của ngân hàng này là sẽ có lộ trình thoái một phần hoặc toàn bộ vốn trong 2 quý sau của năm nay, nếu thị trường thuận lợi.