Khó phát mại tài sản
Thực tế cho thấy, ngay cả nợ xấu cho vay trong lĩnh vực bất động sản cũng khó xử lý do việc thu hồi nợ phụ thuộc vào việc xử lý tài sản bảo đảm. Chẳng hạn, khách hàng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư để thực hiện dự án bất động sản không phải trực tiếp là chủ dự án.
Trong khi đó, dự án lại chưa được hoàn thiện nên ngân hàng không thể áp dụng biện pháp thu giữ tài sản để xử lý, cho dù tài sản đó đã được ngân hàng bán nợ xấu qua VAMC. Việc xử lý phải thông qua biện pháp khởi kiện, trong trường hợp có bản án thì việc thi hành án để phát mại tài sản là quyền tài sản cũng khó khăn.
Saigon One Tower là tài sản đảm bảo cho một khoản nợ xấu đã được bán cho VAMC rất lâu, song đến nay, VAMC vẫn chưa thể phát mại được tài sản này để thu hồi nợ xấu. VAMC từng đem ra đấu giá công khai ngay sau khi Nghị quyết 42 được ban hành, nhưng không thành công. Nguyên nhân, được một nguồn tin đáng tin cậy cho hay, là do một trong những cổ đông của dự án này không đồng ý, trong khi tòa tháp chưa được hoàn thiện.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, trong tương lai, sẽ còn những tài sản đảm bảo cỡ lớn phải xử lý nợ xấu tương tự cao ốc Saigon One Tower hay khách sạn Bavico…
Với các dự án này, theo ông Đông, chủ đầu tư ban đầu khi triển khai dự án đến nay đã không còn nguồn lực để tiếp tục triển khai (nên mới phát sinh nợ xấu). Nếu không thu giữ, không phát mại để chuyển cho chủ đầu tư mới thì các tài sản này sẽ nằm im, gây lãng phí nguồn lực. Nhưng thực tế, ngân hàng vẫn khó bán tài sản.
Tại Sacombank, sau nhiều lần bán đấu giá công khai 3 lô đất là tài sản đảm bảo liên quan đến nhóm ông Trầm Bê tại Long An không thành công, ngân hàng này đã quyết định chuyển sang phương án bán trả góp khối tài sản khủng này. Hiện Sacombank mới chỉ thu về 920 tỷ đồng, tương đương 10% giá bán 3 lô đất liên quan tới nhóm ông Trầm Bê. Số còn lại được trả chậm trong vòng 7 năm với ân hạn 2 năm đầu và phí trả chậm 7,5%/năm.
Mới đây, NCB thu giữ tài sản của Công ty Hữu Liên Á Châu cho khoản nợ gần 360 tỷ đồng. NCB cho biết sẽ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Hữu Liên Á Châu và người liên quan do công ty này không trả nợ đúng hạn.
Trước đó, NCB đã chấp nhận cho Hữu Liên Á Châu có thêm thời gian để tự thanh lý tài sản nhằm thanh toán nợ vay, nhưng Công ty vẫn cố tình chây ỳ, kéo dài thời gian và không có thiện chí xử lý tài sản.
Được biết, ngoài NCB, Hữu Liên Á Châu đang vay nợ hàng trăm tỷ đồng nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Sacombank, SCB và các nhà băng này cũng đang bị mắc kẹt hàng trăm tỷ đồng tại công ty trên.
Sức ép xử lý nợ xấu mạnh hơn
Với chủ trương đẩy mạnh xử lý nợ xấu, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, không chỉ nợ xấu nội bảng các tổ chức tín dụng, mà cả nợ xấu đã bán cho VAMC cũng phải xử lý cơ bản. Các ngân hàng đang trong guồng quay sức ép lớn buộc phải xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Trong khi đó, việc xử lý tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn.
Đối với các tài sản bảo đảm không đủ điều kiện áp dụng biện pháp thu giữ, bán nợ hoặc áp dụng thủ tục rút gọn, ngân hàng buộc phải khởi kiện theo trình tự thông thường, nhưng việc này mất rất nhiều thời gian.
Một số khoản vay, khách hàng của tổ chức tín dụng có liên quan đến các vụ án và đang trong quá trình điều tra, xét xử nên việc xử lý tài sản bảo đảm, khoản nợ cần phải được sự chấp thuận của cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Trong khi đó, theo lãnh đạo các ngân hàng, việc xử lý vụ án, xử lý tài sản mất nhiều thời gian, đặc biệt khi các vụ án có nhiều tính tiết phát sinh mới hoặc một trong các bên tuyên bố phá sản… Ngân hàng khó dự báo được kế hoạch, tiến độ xử lý các khoản nợ xấu để đưa vào phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
Điều kiện tài sản đảm bảo được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, nhưng cho đến nay, chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp. Điều này dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.
Để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”. NHNN ban hành Thông tư 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC nhằm phù hợp với Nghị quyết 42.
Số liệu đưa ra từ cơ quan này, tính đến cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 2,18% tổng dư nợ. Tính lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống đã xử lý 100.500 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42…
Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho hay, năm 2018, VAMC đặt kế hoạch xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, chiếm hơn 45% tổng dư nợ gốc nội bảng (307.932 tỷ đồng).
Mặc dù con số nợ xấu xử lý được đã cải thiện nhiều, tạo tiền đề và niềm tin cho những bước đi tiếp theo trong việc xử lý nợ xấu, nhưng Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cho rằng, kết quả này vẫn chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và ngân hàng được mua 0 đồng còn chậm.
Kiến nghị về giải pháp đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính nhấn mạnh tới việc thúc đẩy phát triển mạnh và thực chất thị trường mua bán nợ xấu. Bởi nhiều người muốn mua nợ, muốn bán nợ, nhưng khó thực hiện do vướng quy chế.
Ngoài ra, cũng cần đầu tư về nguồn lực và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, mới có thể bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được phê duyệt.