Tranh thủ cổ phiếu tăng giá
Trước sức nóng của cổ phiếu ngân hàng hiện nay, các nhà băng đều đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm 2018. Trong đó, không ít ngân hàng, kể cả ngân hàng đã và đang chuẩn bị niêm yết, kêu gọi vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài.
Chẳng hạn, vốn điều lệ của VPBank hiện tại là 15.706 tỷ đồng, với mục tiêu tăng thêm 12.000 tỷ đồng trong năm 2018, vốn của ngân hàng này sẽ lên trên 27.000 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ được VPBank chia thành các đợt, bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, phát hành cổ phiếu riêng lẻ kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. VPBank dự kiến chào bán tối đa 15% tổng số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm thực hiện phát hành.
Các ngân hàng chuẩn bị niêm yết khác cũng đang quá trình đàm phán với các đối tác ngoại để bán một phần vốn trong tỷ lệ cho phép. Trả lời phỏng vấn của báo giới mới đây, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, TPBank dự kiến bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ và chi trả cổ tức cùng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 28% trong 3 tháng cuối năm. TPBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 8.500 tỷ đồng, so với mức 5.840 tỷ đồng hiện tại, thông qua đợt phát hành cổ phiếu.
Trong khi đó, HĐQT OCB đã thông qua giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 23,66%. Theo công bố mới nhất của OCB, hiện đã có một quỹ đầu tư nước ngoài nắm 4,98% vốn điều lệ của Ngân hàng. Như vậy, cơ hội cho nhà đầu tư ngoại tại ngân hàng này rất lớn.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, Ngân hàng đang đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để thu hút vốn ngoại trước khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE.
Trước đó, vào cuối năm 2017, HDBank cũng tranh thủ chốt room ngoại trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HOSE đầu tháng 1/2018. Cụ thể, HDBank đã bán trên 21% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài thu về 300 triệu USD.
Chuẩn bị trước khi niêm yết
Trước sự tăng giá của cổ phiếu ngân hàng và điều kiện thị trường chứng khoán – tài chính năm nay được đánh giá có thuận lợi, nên không chỉ TPBank, mà nhiều ngân hàng trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết sớm trong năm nay hoặc cả giao dịch trên UPCoM.
Cụ thể, tại OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, dự kiến cuối quý III hoặc đầu quý IV/2018, Ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, bỏ qua sàn UPCoM trước khi lên HOSE như kế hoạch trước đó.
Ngày 19/4, TPBank sẽ chính thức niêm yết 555 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, với giá khởi điểm là 32.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị 781 triệu USD. Như vậy, nếu thực hiện niêm yết theo kế hoạch, TPBank sẽ là ngân hàng thứ 2 lên sàn trong năm nay, sau HDBank.
LienVietPostBank cũng cho biết sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức trước năm 2020. Lãnh đạo LienVietPostBank cũng cho hay, Ngân hàng đã chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 25%.
Sau khi chia tay HSBC, Techcombank vừa có nhà đầu tư mới. Cụ thể, Techcombank vừa công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương 8.400 tỷ đồng) từ 2 nhà đầu tư có pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus. Khoản đầu tư này là một phần trong nỗ lực tăng vốn từ nay đến tháng 6/2018 của Techcombank trước khi niêm yết trên sàn HOSE.
Thực tế trên cho thấy, sau thời gian dài kể từ thời điểm bước vào “cuộc đại phẫu” tái cơ cấu năm 2008, đến nay, ngành ngân hàng mới chứng kiến những thương vụ chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với quy mô hàng trăm triệu USD.