Cuối năm 2008, các ngân hàng bắt đầu thu phí đối với việc rút tiền bằng thẻ ATM ngoại mạng với mức phí phổ biến là 3.300 đồng/giao dịch. Khi ấy, có rất nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng ngân hàng đã hưởng lợi trên số tiền lãi suất thấp mà chủ thẻ để lại trong tài khoản, trong khi khách hàng thường xuyên phải chịu đựng cảnh ATM hết tiền hay hỏng hóc. Những ý kiến phản đối rộ lên một thời gian rồi… lắng dần, còn các ngân hàng thì tiến đến việc thu phí rút tiền ATM nội mạng sau Thông tư 35 do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28-12-2012 (quy định về việc thu phí sử dụng thẻ ATM).
Năm 2017, một số ngân hàng tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nâng mức phí rút tiền ngoại mạng qua ATM lên 7.000-8.000 đồng/giao dịch. Theo tính toán của các ngân hàng này, áp dụng mức phí trên mới có thể bù đắp các chi phí đầu tư như lắp đặt cây ATM, phần mềm, bảo trì, bảo hành, điều chuyển tiền…
Nguồn vốn mà các ngân hàng đầu tư vào hệ thống Core Banking, Internet Banking, Mobile Banking, ATM là rất lớn. Do đó, việc các ngân hàng điều chỉnh các loại phí giao dịch là điều có thể đoán trước, bởi sau một thời gian dài miễn phí cho khách hàng làm quen dịch vụ, cũng phải đến lúc ngân hàng thu phí để bù đắp các khoản đầu tư, duy trì, nâng cấp hệ thống.
Ngoài yếu tố bù đắp nguồn vốn đầu tư, tăng phí dịch vụ còn có ý nghĩa đối với các ngân hàng trong việc giảm lệ thuộc vào thu nhập hoạt động tín dụng vốn mang nhiều rủi ro. Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập thuần năm 2017 của các tổ chức tín dụng giảm về mức 21,9% (năm 2016 là 24,6%). Trong đó, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 34,7%, gần tương đương với mức tăng của thu nhập lãi thuần là 33,1%. Để gia tăng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi, việc xem xét điều chỉnh tăng phí dịch vụ chắc chắn sẽ được các ngân hàng cân nhắc, bên cạnh nỗ lực tăng số lượng khách hàng và khuyến khích khách hàng giao dịch nhiều hơn.
Quay lại câu chuyện của Vietcombank. Vì là ngân hàng trong tốp đầu ngành với số lượng khách hàng lớn, quyết định tăng phí dịch vụ của Vietcombank sẽ giúp thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận. Các cổ đông của ngân hàng này có lẽ cũng không cần phải quá lo lắng về làn sóng rời bỏ ngân hàng như một số khách hàng tuyên bố vì việc khách hàng quyết định sử dụng dịch vụ của ngân hàng nào không chỉ phụ thuộc vào yếu tố giá. Hơn nữa, biểu phí dịch vụ hiện tại của Vietcombank vẫn có nhiều loại phí khá thấp so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, trong đợt điều chỉnh biểu phí dịch vụ mới đây, có loại phí tăng nhưng cũng có loại phí giảm. Vì có thương hiệu mạnh, mạng lưới trụ sở và khách hàng rộng nên các ngân hàng lớn có lợi thế hơn trong việc thu hút khách hàng. Nhưng tại Việt Nam hiện nay không có ngân hàng nào thực sự chiếm lĩnh thị trường. Dù có thị phần lớn, cả bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) nếu hợp sức cũng khó có thể khuynh đảo thị trường. Đó là vì sức ép cạnh tranh từ khối ngân hàng tư nhân và ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng của các ngân hàng này, đặc biệt là trong mảng bán lẻ, đang khiến cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt. Giá, phí tăng đến một mức nào đó sẽ đẩy khách hàng sang cho đối thủ.
Tuy nhiên, giá chỉ là một yếu tố trong việc khách hàng chọn lựa giao dịch tại đâu. Các yếu tố quan trọng khác là chất lượng dịch vụ và tính liên kết của các gói sản phẩm. Khách hàng hoàn toàn có thể chọn giao dịch ở một ngân hàng có mức phí cao nhưng nhân viên niềm nở, thời gian giao dịch nhanh, hệ thống công nghệ thông tin ổn định. Cũng có thể khách hàng chấp nhận mức phí chuyển tiền cao nhưng nhận được nhiều ưu đãi khi sử dụng thẻ tín dụng hay được cấp một hạn mức thấu chi cao hơn các ngân hàng khác.
Tại nhiều ngân hàng, biểu phí dịch vụ hiện vẫn khá thấp, thậm chí miễn phí đối với nhiều dịch vụ. Khách hàng vẫn có quyền lựa chọn giao dịch tại ngân hàng phù hợp với mình. Vietcombank gây tranh luận rầm rộ chẳng qua vì đây là một trong những ngân hàng đầu tiên thu phí chuyển tiền nội mạng mà thôi.