Ngân hàng hưởng siêu lợi nhuận?
Đang vay USD tại Eximbank với lãi suất 4%/năm, rẻ bằng nửa lãi vay tiền đồng, song ông Phạm Thế Hùng, Giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản vẫn chưa hài lòng vì cho rằng, ngân hàng huy động “không mất một đồng” thì phải cho vay rẻ hơn.
Theo ông Hùng, hiện nay, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,5 – 5%/năm với khoản vay ngắn hạn và 5 – 6%/năm với khoản vay dài hạn. Với trần lãi suất huy động USD 0%/năm, rõ ràng, các ngân hàng đang hưởng margin lãi suất khá cao.
Tuy nhiên, theo phía các ngân hàng, cách nhìn này của doanh nghiệp là không chính xác. Theo tính toán của các nhà băng, với mỗi đồng ngoại tệ huy động được, khi cho vay, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro với tỷ lệ 0,7% và chi phí nhân viên khoảng 1,5%.
Ngoài ra, do hầu hết tiền gửi USD hiện nay là tiền gửi không kỳ hạn, trong khi ngân hàng chủ yếu cho vay có kỳ hạn (cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn), nên rủi ro kỳ hạn là rất lớn, nhiều ngân hàng phải trích thêm 0,7 – 0,8% chi phí dự phòng rủi ro kỳ hạn.
Chưa kể, dù trần 0%, song thực tế, nhiều ngân hàng vẫn phải trả lãi “ngầm” với các khoản tiền gửi lớn. Mặt khác, do lượng tiền gửi USD sụt giảm, nên một số ngân hàng phải vay USD trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất 1,5%/năm hoặc vay ngoại tệ nước ngoài với lãi suất 3 – 4%/năm để cho vay lại.
Chính vì nguồn huy động có hạn, rủi ro kỳ hạn lớn và chi phí thực lên tới xấp xỉ 3%, nên ngân hàng không thể cho vay USD với lãi suất rẻ hơn.
TS. Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) nhận định: “Các ngân hàng thương mại hiểu rằng, huy động USD thời gian tới sẽ khó khăn, trong khi họ vẫn phải “nuôi” các khoản cho vay. Lãi suất cho vay USD cao một phần để bù đắp rủi ro này”.
Sẽ dừng hẳn cho vay ngoại tệ
Dù phàn nàn lãi suất cao, song nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn đang đổ xô xin vay ngoại tệ, trong khi đó, tiền gửi ngoại tệ vào ngân hàng liên tục sụt giảm.
Trong nửa đầu đầu năm 2018, huy động vốn ngoại tệ giảm trên 3%, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng hơn 8%. Nhiều khả năng, việc gia hạn cho vay ngoai tệ sẽ được NHNN kéo dài trong năm 2019. Vì vậy, huy động USD đang là vấn đề đặt ra với nhiều nhà băng.
TS. Nguyễn Xuân Thành nhận định, trong bối cảnh USD tăng và tiền gửi USD vào ngân hàng sụt giảm, việc tiếp tục duy trì lãi suất huy động 0% với USD của NHNN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, NHNN nên cân nhắc nâng lãi suất USD để hút ngoại tệ này trở lại hệ thống ngân hàng, đồng thời đảm bảo công bằng cho người gửi tiền.
Theo một nguồn tin từ NHNN, cơ quan này sẽ không thay đổi chính sách lãi suất huy động 0% áp dụng với USD. Thậm chí, NHNN có thể còn siết chặt thêm tín dụng ngoại tệ.
“Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục siết chặt tín dụng ngoại tệ, giảm dần đối tượng được phép vay ngoại tệ. Nếu tín dụng ngoại tệ tăng cao, sẽ dẫn tới mất kiểm soát”, một lãnh đạo NHNN cho biết.
Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện cung – cầu ngoại tệ rất ổn định, song yếu tố tâm lý lại rất đáng sợ. Nếu NHNN tăng lãi suất huy động USD hay điều chỉnh tỷ giá, tâm lý kỳ vọng vào USD sẽ lên cao, kéo theo cầu đầu cơ tăng mạnh.
Một khi người dân ồ ạt quay lại nắm ngoại tệ, thị trường sẽ lên cơn sốt, thanh khoản bị nghẹt và tỷ giá bùng phát. Nguy hiểm hơn, nếu làm như vậy, NHNN sẽ phá vỡ niềm tin thị trường, đồng nghĩa với phá vỡ thành quả nhiều năm qua.
Về vấn đề này, GS. Andreas Hauskrecht (Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, Mỹ) – người đã có 30 năm nghiên cứu kinh tế Việt Nam cũng ủng hộ quyết liệt chính sách chống đô-la hóa của NHNN.
“Việc quay lại trả lãi cho huy động USD là sai lầm kỹ thuật, vì sẽ khiến USD hấp dẫn hơn, tác động bất lợi tới tỷ giá. Tôi cho rằng, Việt Nam phải tiến tới chấm dứt huy động và cho vay USD, thay vào đó là xây dựng thị trường mua – bán ngoại tệ có tính thanh khoản”, ông Andreas khuyến cáo.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN xây dựng Đề án Chống đô-la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế và trình Thủ tướng đầu năm 2017. Dẫu vậy, đến thời điểm này, Đề án vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành.
Nhiều khả năng, khi Đề án được thông qua, NHNN sẽ có lộ trình rõ ràng, cụ thể về co hẹp tín dụng ngoại tệ, đồng thời với xây dựng và vận hành thị trường mua – bán ngoại tệ đúng nghĩa.