Chưa tới thời điểm
Từ đầu năm tới nay, thị trường mới ghi nhận sự chào sân của HDBank, TPBank, Techcombank trên sàn HoSE. Trong khi không ít ngân hàng “đặt gạch” cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong năm 2018. Như ABBank dự kiến lên sàn UPCoM trong năm 2018, niêm yết trên HoSE vào năm 2020; Nam A Bank cũng dự kiến lên sàn giao dịch UPCoM trong năm nay; OCB cũng là đơn vị có kế hoạch sẽ niêm yết trên HoSE chậm nhất là cuối quý III hoặc đầu quý IV/2018… Bên cạnh đó, cũng còn một số nhà băng dù đã có kế hoạch từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Tại sao có sự chần chừ này? Trao đổi với một số chuyên gia tài chính – ngân hàng, phần đông đều cho rằng nằm ở vấn đề thời điểm. Thông thường, các ngân hàng lựa chọn thời điểm mà họ biết rằng khả năng cao sẽ có một số nhà đầu tư mua cổ phiếu của họ. Việc lên sàn thất bại sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới uy tín của ngân hàng và những lần gọi vốn sau đó có thể bị tác động tiêu cực. Bởi vậy, thời điểm lên sàn là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, việc có quá nhiều ngân hàng cùng lên sàn một lúc thì tất nhiên số tiền của nhà đầu tư sẽ bị chia năm xẻ bảy, gây bất lợi cho ngân hàng gọi vốn. Thêm nữa, để lên sàn, kết quả kinh doanh của năm tài khoá trước và kết quả kinh doanh quý gần kề là những cột mốc quan trọng. “Ngân hàng sẽ phải lựa thời điểm, có sự chuẩn bị kỹ càng để khi niêm yết có một kết quả kinh doanh, chỉ số tài chính thuận lợi nhất, giúp cổ phiếu có giá và phát hành thành công”, một chuyên gia chia sẻ.
Thẳng thắn nhìn nhận, một chuyên gia khác cũng cho rằng thời điểm này chưa phù hợp, đối với cả các DN chứ không riêng gì ngân hàng. Thị trường chứng khoán đang bước vào chu kỳ điều chỉnh sau một quá trình tăng trưởng tương đối mạnh mẽ hơn một năm qua. Như vậy, thị trường rất có thể sẽ gặp không ít khó khăn trong những tháng cuối năm 2018. Nếu thị trường chứng khoán hết quý III vẫn giữ được ở mốc 1.000 điểm thì đã là thành công rồi. Những bất ổn trên thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là làn sóng tháo chạy khỏi tài sản của các nền kinh tế mới nổi do lo ngại Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Fed tăng lãi suất, đồng nhân dân tệ rớt giá… cũng ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Đề cao tính minh bạch
Bên cạnh đó, việc ngân hàng lên sàn chứng khoán cũng tuỳ thuộc vào yếu tố nội tại. Thực tế, có nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn, nhưng chưa thực hiện được thì cũng rất khó để lên sàn. Các chuyên gia thừa nhận, nhiều ngân hàng muốn lên sàn theo kế hoạch, nhưng có những yếu tố khách quan mà họ không chủ động để kiểm soát được.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán cũng cho hay, với các NHTM có quy mô nhỏ, thường trước khi phát hành cổ phiếu sẽ có sự chủ động tìm trước những nhà đầu tư phù hợp. Khi cổ phiếu phát hành đây sẽ là những nhà đầu tư được nhắm tới đầu tiên. Đối với những ngân hàng quy mô không lớn, vấn đề giá rất quan trọng. Với các nhà đầu tư, kể cả trong hay ngoài nước, đối với ngân hàng nhỏ và tình hình tài chính không đủ mạnh thường hay bị trả giá thấp. Do đó, ngân hàng nhỏ phải rất quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo sức hút với các nhà đầu tư, từ đó mới có cơ hội kêu gọi thêm vốn ngoại.
Thực tế, với các cổ đông nước ngoài khi đã quyết định rót vốn vào một ngân hàng thường sẽ không chỉ dừng lại ở việc đầu tư, mà đi cùng với đó sẽ là mong muốn tham gia quản trị và hoạt động ngân hàng. Nhưng theo quy định hiện hành tỷ lệ cho một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua cổ phần TCTD Việt Nam được sở hữu không quá 20% vốn điều lệ, tổng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30%. Tỷ lệ này đối với các nhà đầu tư nước ngoài dường như vẫn chưa thật sự thoả mãn. Bởi nếu một ngân hàng dù không phải thuộc dạng yếu kém, nhưng là ngân hàng nhỏ sẽ dễ bị tổn thương. Vốn của các ngân hàng này thường thấp thì nhà đầu tư ngoại sẽ mong muốn có một tỷ lệ để tham gia điều hành, quản trị, tỷ lệ hiện nay không cho họ cơ hội đó.
Ông Fiachra Mac Canna – Giám đốc điều hành, Giám đốc Bộ phận phân tích, CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh thông tin: Hiện tại 8/30 công ty trong rổ VN30 đã đầy room ngoại và 9/16 ngân hàng đã niêm yết cũng ở tình trạng tương tự. “MSCI chỉ ra rằng hạn chế mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài là rào cản lớn nhất để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi”, ông Mac Canna cho biết.
Ở mặt nào đó, việc lên sàn cũng sẽ có những áp lực không chỉ đối với ngân hàng mà còn với cả từng cổ đông của ngân hàng đó. Lên sàn, đồng nghĩa với việc các vấn đề về lợi nhuận, tính thanh khoản, nợ xấu… sẽ phải công khai…
Nhưng khách quan nhìn nhận, cổ phần hoá thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết có thể đạt được đa mục tiêu. Theo đó sẽ giúp đa dạng hoá mạnh mẽ quyền sở hữu cổ phiếu, xác định được giá cổ phiếu – có ý nghĩa quan trọng đối với cổ phần hoá/bán cổ phần trong tương lai. Theo ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp của World Bank, việc này cũng tạo tính thanh khoản ngay cho nhà đầu tư mới, tăng tính thanh khoản tổng thể và sức hấp dẫn thị trường. Cùng với đó có thể kết hợp với chiến lược bán cổ phiếu để đạt được tác động tối đa.
Cũng cần lưu ý rằng, các báo cáo tài chính hiện nay vẫn theo chuẩn mực kế toán của Việt Nam. Mong muốn cổ phần hoá, đưa cổ phiếu niêm yết lên sàn được xem như cách thức để tạo thêm uy tín cho thương hiệu của các ngân hàng, trước khi nói tới câu chuyện có thể huy động vốn rộng rãi trên sàn. Vấn đề huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là nhờ các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư chiến lược chứ không phải là nhà đầu tư nhỏ lẻ. “Để thu hút được nhà đầu tư chiến lược, chuẩn mực kế toán của mỗi ngân hàng sẽ bắt buộc phải theo chuẩn mực phù hợp với thông lệ quốc tế”, chuyên gia khuyến nghị.