Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của VietBank đạt mức 44.869 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm
Hiện nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam có hơn 30 ngân hàng, trong đó hơn 10 ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ có tổng tài sản dưới 100 nghìn tỷ đồng như: NCB, KienlongBank, Saigonbank, BacABank, VietABank, VietBank…
Theo các chuyên gia, các ngân hàng nhỏ có nhiều hạn chế so với các ngân hàng lớn như mạng lưới giao dịch hạn hẹp nên khó “lôi kéo” được khách hàng và quảng bá thương hiệu.
Chọn đường “ngách”
Việc huy động tiền gửi cũng trở nên khó khăn hơn, bởi vậy mà từ đầu năm đến nay, trong khi hầu hết các ngân hàng lớn vẫn giữ nguyên lãi suất huy động, thậm chí có thời điểm còn giảm lãi suất, thì một số ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi từ dân cư.
Bên cạnh đó, việc tăng vốn đối với các ngân hàng nhỏ cũng không dễ dàng. Đơn cử như VietABank sau 3 năm, kế hoạch tăng từ 3.500 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Những khó khăn trên càng khiến ngân hàng nhỏ chịu nhiều áp lực về mọi mặt khi cạnh tranh với các ngân hàng lớn.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số ngân hàng đã tìm được lối đi “ngách” để bứt phá và khẳng định mình.
Chẳng hạn, trong khi các ngân hàng lớn tăng mạnh phí dịch vụ ATM, hầu hết các ngân hàng nhỏ chấp nhận “hy sinh” miễn phí rất nhiều giao dịch cho khách hàng, trong đó có cả giao dịch online nội mạng và ngoại mạng.
Tuy nhiên, bù lại các nhà băng này lại gia tăng mạnh về số lượng khách hàng và phủ sóng thương hiệu mạnh mẽ.
Thời gian qua, OCB chọn hướng đi đẩy mạnh mảng bán lẻ và nỗ lực hoàn tất việc triển khai dự án Basel II, dù không nằm trong nhóm 10 ngân hàng thí điểm.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng Basel II để minh bạch hóa mọi hoạt động giúp ngân hàng củng cố niềm tin với các nhà đầu tư, từ đó quá trình tăng vốn sẽ dễ dàng hơn.
Còn VietBank đang tự tái cơ cấu, vươn lên bằng nội tại, coi mảng tín dụng đóng vai trò chủ đạo.
Ngoài ra, một số ngân hàng lên kế hoạch thay mới bản thân và đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM như BacA Bank. Riêng Kienlongbank cũng đã tìm cho mình một lối đi riêng khi đầu tư mạnh vào mảng chứng khoán.
Những nỗ lực trên đang mang lại kết quả tích cực cho các ngân hàng cả về doanh số, lợi nhuận lẫn quy mô khách hàng, tổng tài sản…
Khảo sát kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 của các ngân hàng nhỏ cho thấy lợi nhuận đã tăng mạnh lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Lợi nhuận thực chất hơn
Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của VietBank đạt mức 44.869 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức 31.648 tỷ đồng, tăng trưởng 10,2% và chiếm 70,5% tổng tài sản của ngân hàng.
Tiền gửi của khách hàng cũng tăng khá mạnh 13,5%, lên mức 35.546 tỷ đồng.
Kết thúc quý II/2018, VietBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 124 tỷ đồng, gấp tới 6,2 lần kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
BacABank báo lãi ròng 6 tháng đầu năm đạt gần 350 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,3%, đạt 58.882 tỷ đồng, huy động tiền gửi của khách hàng tăng 3,7%, đạt 65.866 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Nam A Bank được khẳng định với những con số tăng trưởng ấn tượng: tính đến 16/6/2018, tổng tài sản đạt 91%, huy động vốn đạt 88%, lợi nhuận trước thuế đạt 97,3% kế hoạch năm.
Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Nam A Bank đã gần hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2018.
Còn OCB trong 6 tháng đầu năm đã nâng tổng tài sản lên 90.965 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Hoạt động cho vay khách hàng tăng trưởng cao với 12,2% so với năm 2017, đạt hơn 54.455 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch lũy kế). Lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 1.302 tỷ đồng cao hơn 163,5% so với cùng kỳ, hoàn thành 65% kế hoạch cả năm 2018 là 2.000 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của KienlongBank tăng đáng kể, tăng 14,4% đạt 151 tỷ đồng. Trong đó, mảng hoạt động chứng khoán mang lại lợi nhuận lớn nhất cho ngân hàng.
Giới chuyên gia nhận xét những con số lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng so với các ngân hàng lớn không thấm tháp vào đâu, tuy nhiên, với các ngân hàng nhỏ là sự thành công lớn. Những con số đó không chỉ chứng minh nỗ lực bứt phá, mà còn cho thấy họ sẽ không bị bỏ lại phía sau nếu như tìm thấy con đường đi riêng của mình.