Như vậy, gần hai tuần sau khi triển khai thông điệp sẵn sàng bán ra ngoại tệ giá thấp hơn trần biên độ, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu đăng ký mua và Ngân hàng Nhà nước đáp ứng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VnEconomy, lượng bán ra trong hai phiên vừa qua không lớn, nhưng đánh dấu sự can thiệp chính thức vào cung – cầu trên thị trường, sau khoảng một tháng tỷ giá USD/VND có biến động mạnh.
Trên biểu niêm yết của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, giá USD bán ra vẫn chốt ở mốc 23.050 VND, đồng nghĩa với việc nhà điều hành thực hiện đúng như thông tin đưa ra trước đó: bán với giá thấp hơn nhiều so với mức giá trần.
Trên thị trường liên ngân hàng, những phiên giao dịch gần đây, giá USD giao dịch cũng bám sát mốc 23.050 VND nói trên.
Trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra giao động trong khoảng 23.080 – 23,100 VND, trong khi chênh lệch giữa giá bán ra với mua vào vẫn ổn định như tại các giai đoạn bình thường với 70 – 80 VND.
Theo đại diện một ngân hàng thương mại lớn, việc Ngân hàng Nhà nước tiến hành bán ra ngoại tệ là tín hiệu tích cực, thể hiện vai trò của người mua bán cuối cùng mỗi khi thị trường cần điều tiết.
“Đây cũng là nghiệp vụ bình thường, có mua vào có bán ra. Cái chính là thị trường có một cơ sở nguồn cung tin cậy. Thị trường ở đây là liên ngân hàng, trong toàn hệ thống, còn thị trường tự do vì quy mô giao dịch rất nhỏ nên tôi không đề cập đến”, vị đại diện trên nói.
Ở một khía cạnh khác, việc Ngân hàng Nhà nước bán ra ngoại tệ còn có một tác động đáng chú ý ở thời điểm này. Với tiền đồng có biểu hiện dư thừa, việc bán ra ngoại tệ đồng nghĩa với việc thấm hút bớt tiền đồng về một cách gãy gọn, thay vì chủ yếu chỉ dùng kênh tín phiếu hút về theo kỳ hạn ngắn.