Đẩy mạnh tín dụng
Tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh 2018, Vietcombank đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 8,91% so với 2017 (11.337 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng, tương đương 33% so với 2016).
Tuy nhiên, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, sau khi xem xét các cân đối và triển vọng, Vietcombank dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận 13.000 tỷ đồng, tăng 15% so với 2017. Kết thúc năm tài chính 2017, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 8.036 tỷ đồng, cao gấp đôi so với 2016 và vượt kế hoạch 60% và NH này đã thông qua kế hoạch lợi nhuận 2018 lên đến 10.000 tỷ đồng.
Một NH nữa là VPBank dự kiến trình cổ đông thông qua mức lợi nhuận trước thuế lên đến 10.800 tỷ đồng. Năm 2017 lợi nhuận trước thuế của NH này 8.130 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với kế hoạch đã đề ra và gấp 8,6 lần so với năm 2012.
Năm 2017, kết quả kinh doanh toàn hệ thống TCTD cải thiện mạnh sau nhiều năm khó khăn, tỷ lệ NIM bình quân đạt 2,9%, tỷ lệ ROA, ROE bình quân lần lượt đạt 0,73% và 11,65% (năm 2016 là 0,56% và 8,05%). Lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD ước tính tăng 30,9% so với năm 2016.
Từ đó, nhiều NH đang tự tin khi đặt ra kế hoạch lợi nhuận cho năm nay. VIB kỳ vọng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng của NH cao hơn thị trường cả về tỷ lệ và chất lượng, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.005 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2017.
Trong khi đó, mục tiêu của Sacombank vẫn là tăng cường xử lý nợ và trích lập dự phòng để xử lý tồn đọng trước đây, kế hoạch lợi nhuận dự kiến tăng trưởng so với năm ngoái với mức 1.640 tỷ đồng. Còn HDBank tiếp tục đặt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng mạnh trong 2018, như tổng tài sản 242.865 tỷ đồng, tổng huy động 222.184 tỷ đồng, tổng dư nợ 154.510 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.921 tỷ đồng, tăng tới 62% so với 2017.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, VPBank sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng cho vay, huy động tại các phân khúc khách hàng chiến lược; tìm kiếm và lựa chọn các cơ hội kinh doanh mới để khai thác hiệu quả đầu tư cơ bản, tạo ra các kênh thu nhập mới.
Cụ thể, VPBank dự kiến tăng trưởng dư nợ cấp tín dụng 2018 đạt 243.320 tỷ đồng, tăng 23% so với 2017. Đặc biệt, phát triển bán lẻ tiếp tục là định hướng của NH trong năm nay nhằm củng cố vị thế dẫn đầu ở một số sản phẩm phục vụ khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
VIB đưa ra 2 phương án tăng trưởng tín dụng là 14% và 25% để lấy ý kiến cổ đông trong kỳ đại hội tới. VietinBank và BIDV tuy chưa hé lộ thông tin về lợi nhuận, nhưng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2018 cao. Theo đó, BIDV định hướng kế hoạch tăng trưởng tín dụng tối đa khoảng 17%, chênh lệch thu chi tăng trưởng 18%; VietinBank tăng tín dụng khoảng 16-17%.
Tăng nguồn thu từ dịch vụ
Năm 2017, thu nhập từ hoạt động tín dụng vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các TCTD. Tuy nhiên, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ cũng có sự cải thiện đáng kể, đạt mức tăng 34,7%, giúp nhiều NH có lãi lớn.
Như Techcombank ghi nhận lãi đột biến trong năm qua nhờ lãi hoạt động dịch vụ và thu nhập khác, đạt đến 4.520 tỷ đồng, đưa tỷ trọng thu nhập ngoài lãi của NH tăng từ 31,7% lên 45% trong tổng thu nhập. Trong đó, dịch vụ ủy thác và đại lý mang về cho Techcombank 1.582 tỷ đồng, tăng tuyệt đối 1.521 tỷ đồng. Với kết quả này, Techcombank vượt qua VietinBank để giữ vị trí thứ 3 về thu nhập hoạt động dịch vụ trong năm qua.
Một số NH có thu nhập dịch vụ tăng vượt bậc như Sacombank đạt 3.441 tỷ đồng (năm 2016 đạt 2.213 tỷ đồng); MB 3.223 tỷ đồng (2016 là 1.298 tỷ đồng); VPBank 3.220 tỷ đồng (2016 đạt 2.115 tỷ đồng)… Một thống kê đưa ra gần đây cũng cho biết trong 3 năm trở lại đây, thu nhập từ dịch vụ của các NH đã có mức tăng trưởng bình quân 35%/năm, trong đó các NH như VietBank, BacABank, TPBank, MB tăng xấp xỉ 70-90%/năm; Kienlongbank tăng 125%/năm; SHB tăng 184%.
Để tiếp tục gặt hái thành công từ dịch vụ, VPBank đã thông qua chiến lược 5 năm 2018-2022, với những mục tiêu tham vọng về chất lượng tăng trưởng, như củng cố vị trí dẫn đầu trong chiến lược bán lẻ và NH số, là dịch vụ tài chính tin cậy, nâng cao tỷ trọng giao dịch của khách hàng qua các kênh tự phục vụ, đón đầu các xu hướng công nghệ NH mới. Sacombank cũng đang đẩy mạnh dịch vụ NH số, nâng cấp cho Internet Banking và Mobile Banking với nhiều nhiều cải tiến mới.
Theo các chuyên gia, năm 2018, ngoài các khoản tăng phí từ dịch vụ thanh toán, một số TCTD ký kết các hợp đồng hợp tác độc quyền, toàn diện với những công ty bảo hiểm lớn, kỳ hạn lên tới 10-15 năm, dự kiến đem lại nguồn thu dịch vụ và hoa hồng lớn trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua, dịch vụ đang là mảng kinh doanh đầy tiềm năng để các NH khai thác và tăng lợi nhuận. Hiện nhiều NH đang đầu tư lớn vào hạ tầng công nghệ, bởi đây sẽ là mảng đóng góp nguồn thu lớn, giúp tăng tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ và giảm phụ thuộc vào tín dụng.