Giải mã sức hấp dẫn của các cổ phiếu “nóng”
Đầu tháng 6 vừa qua, thị trường chứng khoán chứng kiến một trong những thương vụ niêm yết “nóng” nhất năm 2018, khi Techcombank (mã TCB) lên sàn HOSE với giá 128.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, thương vụ này thu hút được sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, để chuẩn bị cho kế hoạch bán vốn này, Ngân hàng đã bắt đầu từ 3 năm trước với mục tiêu chỉ bán cho các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
“Khi tôi về Techcombank vào tháng 6/2015, HĐQT lúc đó đã quyết định đường đi nước bước để thực hiện niêm yết. Và việc đầu tiên mà chúng tôi phải làm là báo cáo tài chính những năm 2015, 2016 và 2017 đều tuân theo tiêu chuẩn quốc tế (IFRS)”, ông Quốc Anh cho biết.
Cũng theo Tổng Giám đốc Techcombank, ngay trong bước đầu tiên này, Ngân hàng đã mời các tổ chức quốc tế chuyên nghiệp rà soát toàn bộ quy trình vận hành, nền tảng pháp lý để đảm bảo ngân hàng tuân thủ một cách tốt nhất. Những gì chưa đạt năm 2015 phải được làm triệt để vào năm 2016 và đến tháng 9/2017, Techcombank đã hoàn tất mọi điều chỉnh cần thiết.
“Cuối tháng 1 đầu tháng 2/2018, chúng tôi bắt đầu tiếp cận các quỹ đầu tư nước ngoài, đúng vào thời điểm Tết Nguyên Đán. Nhiều nhân viên Ngân hàng chỉ nghỉ đúng 2 ngày Tết để đảm bảo hoàn thành báo cáo tài chính của năm quan trọng này”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Có thể thấy, nhờ việc thực hiện các chuẩn mực quốc tế cao nhất trong kế hoạch chào bán, chứng minh được chất lượng của Ngân hàng, nên lượng đặt mua cổ phiếu Techcombank từ các quỹ nước ngoài rất lớn với mức giá khả quan.
Một trường hợp đáng chú ý khác là cổ phiếu của VPBank (VPB) chào sàn HOSE với mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu, vượt Vietcombank và trở thành cổ phiếu ngân hàng “đắt” nhất, “hot” nhất trên cả 3 sàn vào năm ngoái 2017. VPBank cũng là nỗi băn khoăn của thị trường thời điểm đó, với câu hỏi: Liệu cổ phiếu của ngân hàng này có chào sàn ở mức giá quá cao?
Ông Richard Fitton, trưởng phòng cao cấp khối ngân hàng đầu tư của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị tư vấn niêm yết cho VPBank cho biết, trong suốt quá trình chào bán, VCSC đã cùng với ban lãnh đạo của VPB đến nhiều trung tâm tài chính lớn trên thế giới để gặp gỡ các nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm các quỹ đầu tư, các quỹ đầu tư tập trung vào thị trường mới nổi và cận biên, quỹ đầu cơ và các quỹ đầu tư quốc gia (SWF). Trước khi đi đến quyết định đầu tư vào cổ phiếu VPB, các quỹ đầu tư quốc tế đều dành ít nhất là một tháng để phân tích tài chính và hoạt động của ngân hàng.
Đồng thời, các nhà đầu tư đã tiến hành gặp gỡ ban lãnh đạo (trong một số trường hợp có hơn 5 buổi gặp gỡ ban lãnh đạo VPB), thực hiện các buổi gặp trao đổi chi tiết với Tổng giám đốc, Giám đốc tài chính, Giám đốc quản lý rủi ro và các vị trí nhân sự cấp cao khác của VPB, gặp gỡ Chủ tịch HĐQT và trưởng các bộ phận chính.
Song song đó, trực tiếp tham quan các khối vận hành trung tâm của ngân hàng (bảo lãnh, thu nợ…), cũng như thực hiện các nghiên cứu chi tiết về ngành ngân hàng nói chung và môi trường pháp lý tại Việt Nam để thấu hiểu hơn cơ chế của ngành ngân hàng Việt Nam và tiềm năng tăng trưởng.
“Các quỹ đầu tư này cần phải được thuyết phục hoàn toàn về giá trị cơ bản, triển vọng tăng trưởng của ngân hàng và thị trường trước khi thuyết phục ban đầu tư phê duyệt việc mua cổ phiếu”, ông Richard Fitton cho biết.
Theo đó, ba tuần trước khi niêm yết chính thức trên HOSE ngày 17/8/2017, VCSC đã hoàn thành quá trình bán một lượng đáng kể cổ phiếu VPB cho các nhà đầu tư nước ngoài. Quá trình được thực hiện thông qua hình thức dựng sổ (bookbuilding), phù hợp với thông lệ quốc tế về IPO. Được biết, trong quá trình dựng sổ, khối lượng đăng ký mua cổ phiếu VPB từ các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn bất kỳ giao dịch phát hành riêng lẻ nào đã từng được thực hiện ở Việt Nam trước đây.
Có thể thấy, nhờ nỗ lực thực hiện công tác IR, cũng như minh bạch hoạt động, thông tin, VPB trước hết đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại lớn – vốn nổi tiếng về những đòi hỏi cao đối với quản trị, truyền thông.
Minh bạch thông tin Giúp cổ phiếu có giá trị gia tăng mạnh
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, không chỉ Việt Nam, tại hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, tất cả báo cáo tài chính của ngân hàng, cũng như doanh nghiệp ngoài ngân hàng được kiểm toán độc lập bởi những công ty uy tín hàng đầu thế giới. Những báo cáo tài chính với thông tin minh bạch, rõ ràng, chi tiết, đặc biệt trong phần giải trình, thuyết minh, là những điểm khiến nhà đầu tư tin tưởng vào ngân hàng và doanh nghiệp đó.
Cũng theo TS. Hiếu, một vấn đề đã rất phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam vẫn thiết sót, đó là báo cáo tài chính không đầy đủ, thuyết minh rất đơn giản, đặc biệt trong phần nợ xấu, phân loại nợ, dự phòng rủi ro, nợ xấu thu hồi được để hoàn lại dự phòng… Trong khi đây là yếu tố mà các ngân hàng và nhà đầu tư ngoại rất chú trọng.
“Có lẽ đây là điểm lợi khi VPBank, Techcombank đã có những giải trình rõ ràng, minh bạch, chi tiết…, chính vì vậy tạo ra uy tín cho các ngân hàng này, từ đó cổ phiếu có giá trị gia tăng mạnh”, TS. Hiếu nói.
Về vấn đề này, ông Hiếu phân tích thêm, VPBank, Techcombank và một số nhà băng khác đã tạo được lợi thế khi chú trọng đến việc giải trình rõ ràng, minh bạch, chi tiết… các nội dung trong báo cáo tài chính, góp phần xây dựng nên uy tín của ngân hàng.
Cụ thể, hai ngân hàng Techcombank và VPBank có báo cáo kiểm toán được xem là unqualified, có nghĩa là trong thư quản lý (management letter) do công ty kiểm toán ban hành, nhận định của công ty kiểm toán báo cáo tài chính của hai ngân hàng này “không có hạn chế” (unqualified).
Thuật ngữ “không có hạn chế” trong ngôn ngữ kiểm toán được hiểu là công ty kiểm toán không phát hiện ra điều gì trong báo cáo tài chính có thể hạn chế tính minh bạch và tuân thủ các nguyên tắc kiểm toán của ngân hàng được kiểm toán.
“Những báo cáo tài chính được xem là “unqualified” được các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài, đánh giá cao. Ngược lại những báo cáo kiểm toán được xem là ”qualified” là những báo cáo kiểm toán ẩn chứa những điểm hạn chế tính minh bạch và tình hình tài chính của ngân hàng được kiểm toán và do đó không được các nhà đầu tư và nhà phân tích đánh giá cao”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn Basel II, tới cuối năm 2020, các ngân hàng dự kiến phải tăng vốn tự có gấp 1,8 – 2 lần hiện tại và con đường lên sàn là hướng đi để tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu và huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Theo đó, việc minh bạch thông tin báo cáo tài chính đang là lựa chọn của các ngân hàng khỏe mạnh, để giữ giá cổ phiếu ở đúng giá trị thực và có giá trị gia tăng lớn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho biết, để giúp người dân có thể nắm rõ hơn tình hình sức khỏe của các ngân hàng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tài chính niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, công bố báo cáo tài chính định kỳ, có kiểm toán. Qua đó, người dân và nhà đầu tư có thể giám sát, xác định tình hình tài chính của các ngân hàng.