Vừa công bố dữ liệu 6 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, vốn huy động của hệ thống TCTD đang tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng khoảng 8% so với cuối năm 2017 trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 6,8%.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 8,7%). Dư nợ cho vay vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực nông lâm nghiệp giữ tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng ổn định. Dư nợ tín dụng phục vụ đời sống tăng khá so với cuối năm 2017.
Theo khảo sát của Vụ thống kê dự báo NHNN, các TCTD cho biết, quý II/2018 nhu cầu vay vốn được nhận định là cao nhất (51,1% TCTD lựa chọn mức “cao”), tiếp đến là nhu cầu tiền gửi (36,9% TCTD lựa chọn mức “cao”) và nhu cầu thanh toán và thẻ (35,4% TCTD lựa chọn mức “cao”).
Nghịch lý là dù tiền gửi chảy vào ngân hàng dồi dào, nhu cầu vay vốn cao nhưng cho vay đầu ra lại tăng chậm. Nguyên nhân một phần có thể do các ngân hàng siết chặt hơn trong cho vay vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và giao thông trong thời gian vừa qua. Trong 3 tháng trở lại đây, lãi suất kỳ hạn dài cho vay mua, xây, sửa nhà tại các ngân hàng cổ phần đã lên đến 12,5%/năm, tăng khoảng 2%/năm so với trước đây. Đồng thời, nhiều ngân hàng có động thái thẩm định lại giá và chỉ xét cho vay không quá 70% giá trị. Quý 1/2018, tăng trưởng tín dụng bất động sản chỉ đạt 3,65% trong khi cùng kỳ năm 2017 đạt tới 7,34%.
Ngoài ra, khả năng “sức khỏe” của các doanh nghiệp chưa được cải thiện, các ngân hàng cũng ngày càng cẩn trọng hơn trong việc thẩm định, giải ngân khiến số lượng doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ nhà băng không nhiều dù nhu cầu vẫn cao.
Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong khi huy động vốn tăng nhanh, cộng thêm việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng gần 210 nghìn tỷ đồng từ đầu năm nên thanh khoản của hệ thống TCTD tương đối dồi dào trong nửa đầu năm nay.
Trên thực tế, không nhìn vào con số thống kê, cảm quan cũng nhận ra được các ngân hàng đang khá “thừa tiền” khi từ đầu tháng 3 đến nay không đua nhau dùng “chiêu” để thu hút người gửi tiền bằng các chương trình cộng lãi suất hay khuyến mãi rầm rộ; thay vào đó hàng loạt ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.
Mặc dù thanh khoản đang rất dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã xuống mức rất thấp, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng khả năng giảm lãi suất cho vay trên thị trường 1 cũng vẫn khó. Các chuyên gia của BVSC cho rằng trong nửa cuối năm, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 có thể sẽ chậm lại trong khi tăng trưởng tín dụng có thể sẽ nhanh hơn nhưng về cơ bản, mức tăng trưởng của cả M2 và tín dụng cho cả năm 2018 sẽ thấp hơn 1-2% so với năm 2017. Theo đó, lãi suất VND (huy động và cho vay) sẽ khó có điều kiện giảm, nhất là khi kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị VND, ổn định tỷ giá vẫn đang là trọng tâm điều hành của Chính phủ trong giai đoạn hiện tại.
Thanh khoản dư thừa sẽ tạo thuận lợi cho nhà băng trong việc chủ động điều tiết nguồn tiền. Tuy nhiên, điều này cũng có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng khi chi phí đầu vào cao nhưng thu nhập lãi từ cho vay thấp.
Tình trạng ngân hàng dư thừa vốn có thể chỉ mang tính chất ngắn hạn, nhất là trong thời gian đầu năm, tín dụng thường chưa bứt phá nhanh. Khảo sát của Vụ thống kê dự báo NHNN cũng cho biết các TCTD kỳ vọng trong quý III tới đây, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ tăng trưởng 5,99% (cao gấp 2 lần mức tăng thực tế của cùng kỳ năm 2017). Nhiều ngân hàng cho biết sắp sử dụng hết “room” tín dụng và đang xin NHNN cho phép nới thêm.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, lạm phát tháng 6 tăng nhanh nhất trong 7 năm trở lại đây, việc đẩy tín dụng tăng quá mạnh trong thời gian nửa cuối năm có thể ảnh hưởng không tốt tới chỉ số CPI. Hơn nữa, năm 2018 NHNN cho biết sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, dự kiến chỉ tăng 17%, thấp hơn mức đạt được năm 2017 là 18,2%.