Việc nhiều ngân hàng đổ tiền vào trái phiếu Chính phủ hay tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được cho là bình thường. Bởi kênh đầu tư này rủi ro gần như bằng không và khi cần thiết, ngân hàng có thể dùng trái phiếu đó để mua bán, hoặc cầm cố tại Ngân hàng Nhà nước, vay liên ngân hàng. Thêm vào đó, hơn hai tháng qua, tín dụng tăng trưởng âm. Huy động vốn vào mà không cho vay được thì ngân hàng sẽ lỗ. Do đó, họ phải đầu tư vào trái phiếu hay tín phiếu. Diễn biến này không phải năm nay mới có, mà những năm trước đã có.
Nhìn nhận về diễn biến này, đại diện một số ngân hàng thương mại cho rằng, khoảng 70% lợi nhuận của các ngân hàng là từ hoạt động tín dụng, nên đều tính toán chặt chẽ trước khi đầu tư vào trái phiếu. Một nguyên nhân khác được Pgs.Ts. Đinh Xuân Hạng, Trưởng khoa Ngân hàng và Bảo hiểm, Học viện Tài chính nêu ra: mức lãi suất của trái phiếu, tín phiếu khá hấp dẫn, nên không khó hiểu cho hướng đầu tư này của ngân hàng. Và dù lãi suất trái phiếu Chính phủ thấp hơn so với lãi suất cho vay, nhưng như thế còn hơn là để vốn chết.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế VIB Lê Quang Trung cho biết, không phải tất cả các ngân hàng đều đổ tiền vào trái phiếu. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã trúng thầu khoảng 78.000 tỷ đồng, tính chung các loại trái phiếu, tín phiếu. Trong khi đó, lượng tiền trái phiếu Chính phủ đáo hạn từ những năm trả cho các ngân hàng khoảng 70.000 tỷ đồng. Nghĩa là lượng tiền các ngân hàng bỏ ra mua trái phiếu năm nay cũng chỉ tăng khoảng 8.000 tỷ đồng, không lớn so với toàn hệ thống.
Một câu hỏi đáng chú ý khác là khi dòng tiền ngân hàng đổ vào trái phiếu, thì có lợi gì cho nền kinh tế? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Quang Trung phân tích, nếu nền kinh tế đi xuống, dòng tiền thông minh chảy vào thị trường sẽ co lại, chuyển sang ngân hàng. Điều này buộc đầu tư công phải tăng lên để bù đắp lượng thiếu hụt. Do đó, lượng trái phiếu, tín phiếu được các ngân hàng thương mại mua sẽ hỗ trợ nhiều cho đầu tư công, giúp bảo đảm giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, dòng tiền ngân hàng đổ vào trái phiếu cũng có cơ hội được sử dụng hiệu quả hơn. Bởi thông thường, khi dòng tiền trên thị trường co lại, giá vốn thực hiện sẽ rẻ đi và đầu tư công có hiệu quả cao.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc các ngân hàng thương mại đổ vốn vào trái phiếu Chính phủ không đáng lo ngại. Bởi mỗi tổ chức tín dụng khi đầu tư vào trái phiếu, tín phiếu đều tính toán kỹ lưỡng, dựa trên cơ cấu vốn, các kênh đầu tư của mình. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả, kể cả tăng huy động cũng phải bảo đảm tỷ lệ an toàn.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm, đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô. Khi ngân hàng có thanh khoản tốt, Ngân hàng Nhà nước đã rút tiền về với lượng phù hợp để mỗi đơn vị đều có thể mua các loại trái phiếu, tín phiếu. Các mức lãi suất cũng được điều chỉnh thông qua việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Biện pháp này đã giúp giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ổn định ở mức thấp, cũng như giảm lãi suất trái phiếu Chính phủ. So sánh lãi suất giữa phiên đấu thầu gần đây nhất với phiên đấu thầu hồi đầu năm, thì lãi suất cũng giảm từ 0,6 đến 0,95%/năm, tùy loại kỳ hạn. Điều này đã giúp giảm lượng vốn ngân sách Nhà nước phải bỏ ra để trả lãi cho các đơn vị mua trái phiếu.
Các ngân hàng đổ vốn vào trái phiếu Chính phủ sẽ giúp tăng vốn cho đầu tư công. Song, theo cảnh báo của các chuyên gia, cần tính đến hiệu quả đầu tư công, trong đó có hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Lượng tiền thu hút được qua kênh trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phải được sử dụng sớm và quản lý chặt chẽ, hiệu quả, để tránh đồng vốn nằm chết, gây lãng phí.