Áp lực dòng tiền trả nợ gốc giảm
CTCP Thủy điện miền Nam (SHP) vừa đàm phán thành công với VDB Chi nhánh Lâm Đồng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc cũng như giảm lãi vay đối với một phần nợ vay đầu tư dự án nhà máy điện Đa M’Bri. Khoản vay có giá trị 1.137 tỷ đồng, gồm 607,5 tỷ đồng chịu mức lãi suất bình quân 6,9%/năm và 633 tỷ đồng còn lại chịu lãi suất bình quân 12,6%/năm.
NH tiếp tục hỗ trợ vốn để dự án hoàn thành, tạo thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh
Sau khi đàm phán, lãi suất vay của phần nợ 633 tỷ đồng giảm còn 9,8%/năm, đồng thời, thời gian trả nợ gốc được kéo dãn thành 10 năm thay vì 4 năm như trước đây. Sau khi cơ cấu như trên, SHP giảm được gần 18 tỷ đồng chi phí lãi vay hàng năm, đồng thời giảm áp lực dòng tiền trả nợ gốc.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Tổng giám đốc SHP, mặc dù đặt kế hoạch chia cổ tức năm 2014 ở mức 8%, nhưng với lợi nhuận sau thuế 2014 vượt kỳ vọng (cao hơn kế hoạch gần 2,7 lần) và công ty còn khoảng 227 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại (đến 30/9/2014), cộng thêm chuyện công ty được giãn trả nợ gốc và giảm chi phí lãi vay, Ban lãnh đạo công ty đang để ngỏ khả năng tăng mức chi trả cổ tức năm nay.
Trước đó 1 tháng, Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng thông báo thoát khỏi gánh nặng nợ đến hạn nhờ việc cơ cấu lại các khoản trái phiếu và các khoản tín dụng. Cụ thể, khoản trái phiếu 350 tỷ đồng của công ty NBB tại VIB được gia hạn đến 2014 và 2016. Các khoản nợ trái phiếu và tín dụng hàng trăm tỷ đồng tại Tài chính Điện lực, Chứng khoán Bảo Việt, BIDV… đều được gia hạn, giãn nợ từ 1 đến 5 năm.
Hiện, tổng cộng NBB cơ cấu được 1.000 tỷ đồng tiền nợ và trái phiếu, chiếm khoảng 80% khoản vay của đơn vị này. Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất, 83% các khoản vay của NBB sẽ được gia hạn từ 1-5 năm.
Một lãnh đạo NHTM tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, trường hợp của NBB và SHP không phải hiếm vì hiện nay, các NH đang rà soát lại tất cả các hợp đồng tín dụng để đưa ra phương án tốt nhất để hỗ trợ DN. Thậm chí, có nhiều DN còn được ban lãnh đạo họp bàn để tham gia giải quyết trực tiếp trong quá trình tái cơ cấu.
Trường hợp Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một ví dụ. Vừa qua, HAGL được NH hỗ trợ thành lập Công ty Xử lý nợ xấu An Phú. Theo đó, An Phú đã tách một số công ty con hoạt động không hiệu quả ra khỏi công ty HAGL. Cụ thể, An Phú bán bớt tài sản, trong đó có 6 dự án thủy điện, mang về doanh thu hơn 2.099 tỷ đồng và giảm được dư nợ vay 1.876 tỷ đồng.
Tiếp tục vào cuộc
Khi nền kinh tế khó khăn, người tiêu dùng đang dần hình thành tâm lý chi tiêu dè xẻn, DN không bán được hàng phải cân nhắc trong việc vay vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Thậm chí, có những DN không dám đầu tư sản xuất mới vì vướng khoản nợ cũ với NH. Nếu muốn được vay vốn lúc này, DN phải giải quyết được nợ cũ. Tất cả yếu tố trên làm nên vòng luẩn quẩn khó tìm được lối ra.
Chính vì lẽ đó, lãnh đạo của VIB cho rằng vấn đề lúc này không phải lãi suất cao hay thấp mà chính là làm như thế nào để tái cấu trúc nguồn nợ cũ cho DN, giúp họ mạnh dạn vay vốn để tổ chức những chu kỳ sản xuất mới. Đặc biệt là những khoản vay trung, dài hạn với mức lãi suất 13%/năm.
Chẳng hạn, trước đây, NBB đã từng xin VIB khất 1 năm trả nợ, lãi suất ban đầu của trái phiếu là 11,5%/năm, đến kỳ gia hạn năm 2012 sang năm 2013 đã tăng lên mức 18%/năm. Không chỉ xin kéo dài thời hạn trả nợ trái phiếu, nợ dài hạn, mà nợ ngắn hạn của công ty cũng trong tình trạng tương tự. Sau khi cân nhắc nền tảng hoạt động của NBB, ban lãnh đạo NH đã thống nhất giãn nợ để NBB hoạt động hiệu quả hơn.
Cùng quan điểm, ông Phan Duy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cũng cho rằng việc giảm áp lực trả nợ giúp DN có tiềm lực hoạt động hiệu quả. Thời gian qua, Sacombank đã giảm áp lực cho trả nợ cho rất nhiều DN, thậm chí còn cho DN cân đối lại những khoản vay cũ lãi suất cao thành các khoản vay mới lãi suất rẻ hơn để DN yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.
Ngược lại, NH cũng được giải cứu khi việc gia hạn nợ không làm tăng nhóm nợ, không phải gánh chịu tỷ lệ dự phòng cao nên có điều kiện để giảm chi phí cho vay. Từ đó, NH sẽ xem xét kỹ các trường hợp DN cần được giãn nợ để hỗ trợ họ trong thời gian tới đây. Bởi chỉ khi DN hoạt động tốt, NH cho vay được dòng tín dụng tốt thì cả nền kinh tế mới tăng trưởng bền vững.
Hiện tại, rất nhiều lãnh đạo các NH khác như SCB, SeABank, Techcombank… khi được hỏi cũng cho biết đã lên chương trình, kế hoạch cơ cấu nợ để hỗ trợ DN trong giai đoạn 2015. Đơn cử ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB cho biết, sắp tới NH này sẽ tiến hành đánh giá lại từng DN, từng dự án để có thể gia hạn và giãn nợ cho phù hợp với dòng tiền của DN.
Với những dự án đang làm dở dang, có thanh khoản đầu ra tốt, có tiềm năng phát triển, SCB sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ vốn để cho dự án hoàn thành có thể đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, tạo ra dòng tiền, kể cả lĩnh vực bất động sản.
Đánh giá cao về chiến lược trên của các NH, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, các DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh dù có nợ xấu chưa trả được nhưng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi sắp tới sẽ vẫn được vay mới.
Chủ trương này không chỉ áp dụng đến cuối năm mà có thể trở thành yếu tố chủ đạo của năm 2015 nhằm giúp DN thoát khỏi khó khăn, có thể trả được những khoản nợ cũ, đồng thời cũng giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng trong các tháng tiếp theo…