Lãnh đạo Sacombank cho hay, chiến lược cho vay nhỏ lẻ xuống tận các chợ, tiểu thương đã được Sacombank đẩy mạnh từ những năm trước và sẽ tiếp tục mở rộng, vì đây chính là mảng tín dụng tiềm năng đóng góp tích cực vào lợi nhuận Ngân hàng. Tỷ lệ dư nợ cho vay của khối khách hàng cá nhân hiện chiếm trên 50% tổng dư nợ của Sacombank.
Trong khi đó, với Vietcombank, trước đây được xem là bán buôn thì nay đang dần chiếm lĩnh thị phần cho vay nhỏ lẻ. Đại diện Vietcombank cho biết, chiến lược của Ngân hàng là từng bước đẩy mạnh bán lẻ, nhắm vào khối khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lợi thế của Vietcombank hiện nay là mua buôn, bán lẻ, thay vì mua buôn và bán buôn như trước. Chi phí huy động vốn của Vietcombank thấp hơn nhiều ngân hàng khác, do uy tín và thương hiệu đã được khẳng định nên nhiều người chọn gửi tiết kiệm. Đó cũng là lý do lãi suất cho vay của Vietcombank luôn ở mức cạnh tranh.
Cũng chính nhờ sớm đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, cho vay phân tán nên lợi nhuận Vietcombank có sự cải thiện tích cực trong những năm qua, đạt gần 11.000 tỷ đồng năm 2017. Mục tiêu Ngân hàng đưa ra năm nay ở mức 13.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Vietcombank vừa tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 55,2% kế hoạch 2018. Các chỉ tiêu sinh lời được cải thiện: thu nhập lãi thuần (NIM) đạt 2,76%, ROAA đạt 1,24%, ROAE đạt 22,71%, cao hơn mặt bằng chung của thị trường và tăng mạnh so với năm 2017.
VIB cũng là một trong những nhà băng tích cực trong việc đẩy mạnh mảng tín dụng nhỏ, lẻ. Tính đến hết quý I/2018 , dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) của VIB đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2017, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 84.000 tỷ đồng. Vì thế, dù chưa hết 5 tháng đầu năm 2018, VIB cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt 918 tỷ đồng, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 50% kế hoạch cả năm. Doanh thu của Ngân hàng đạt 2.187 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.
Tại HDBank, trong những năm gần đây, Ngân hàng không ngừng đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, với các chính sách lãi suất ưu đãi. Mới đây, HDBank đưa ra chương trình cho vay các đại lý xe gắn máy có liên kết với HD SAISON, lãi suất 7%/năm.
Thực tế cho thấy, mảng tín dụng cho vay nhỏ lẻ có đóng góp rất tích cực vào tổng lợi nhuận của các nhà băng trong những năm gầy đây, nhất là với những ngân hàng có công ty tài chính trực thuộc như VPBank, HDBank, MB…
Chẳng hạn, với HDBank, sau khi sáp nhập DaiABank và mua lại SGVF (nay là HD SAISON), Ngân hàng đã phát triển thêm hơn 48.500 khách hàng cá nhân; 700 khách hàng doanh nghiệp, tăng 103% so với cuối năm 2017. Riêng HD SAISON, liên doanh với tập đoàn hàng đầu về tài chính tiêu dùng và thẻ của Nhật là Credit Saison, đã phục vụ hơn 3,9 triệu khách hàng, tăng 151,9% so với cùng kỳ. HD SAISON đóng góp hơn 30% trong con số trên 2.400 tỷ đồng lợi nhuận của của HDBank trong năm qua.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank cho biết, Ngân hàng đã chuẩn bị nền tảng cho kế hoạch tăng trưởng giai đoạn 2017 – 2021, mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm và phục vụ số lượng 15 triệu khách hàng vào năm 2020, với tỷ lệ sinh thái đặc quyền từ hàng không, supermarket, viễn thông và năng lực M&A. Sau sáp nhập DaiABank, mua lại SGVF, HDBank đang thực hiện sáp nhập thêm PGBank.
Tính đến tháng 5/2018, tăng trưởng tín dụng của PGBank đạt hơn 14%. Trong quý I/2018, HDBank đạt lợi nhuận hợp nhất 1.045 tỷ đồng, trong đó riêng Ngân hàng đạt 851 tỷ đồng, tăng 201,8% so với quý I/2017 và bằng 27,5% kế hoạch năm.
Ngân hàng sớm chiếm lĩnh thị phần tài chính nhỏ lẻ phải kể đến VPBank, với việc sở hữu “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit. Năm 2017, FE Credit thu về trên 4.000 tỷ đồng lợi nhuận, đóng góp hơn 51% vào tổng lợi nhuận của VPBank. Cho vay nhỏ lẻ có tỷ lệ thu nhập lãi thuần cao nên không ít nhà băng cho biết, sẽ thành lập mới hoặc mua lại công ty tài chính trong thời gian tới như OCB, ACB, SeABank…