Những tỷ lệ chia thưởng kỷ lục
Nếu như trước đây cổ tức hay việc chia thưởng của các ngân hàng như là món đồ xa xỉ thì năm 2018 cổ đông sẽ được “ngập mặt” trong cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.
Cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) vừa tổ chức đại hội cổ đông thường niên để thông qua việc sử dụng toàn bộ 4.524,7 tỷ đồng lợi nhuận và quỹ đầu tư phát triển năm 2017 để chia cổ tức, ứng với tỷ lệ 30,22%. Hình thức thực hiện là chia cổ tức bằng cổ phiếu và dự kiến tiến hành vào quý II.
Đồng thời, VPBank lấy quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 154,7 tỷ đồng để thưởng cổ phiếu cho cổ đông tỷ lệ 1,03%; lấy 2.489 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển để mua lại hơn 73,2 triệu cp ưu đãi cổ tức làm cổ phiếu quỹ sau đó đem chia lại cho các cổ đông, tỷ lệ 3,65% (trên vốn điều lệ sau khi trả cổ tức, ESOP và thưởng từ quỹ dự trữ). Phương án mua cổ phiếu quỹ để chia này dự kiến được thực hiện trong quý III.
Ngoài ra, đến quý IV, ngân hàng còn thực hiện chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20,35% (không chia cho cổ phiếu quỹ), nguồn là 4.577 tỷ đồng thặng dư vốn từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư năm 2017.
Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Bùi Hải Quân cho biết sau khi được NHNN thông qua ngân hàng sẽ phân phối lợi nhuận nhanh nhất cho các cổ đông. Ông cũng cho biết đây là tỷ lệ trả cổ tức cao chưa từng có từ trước đến nay về cả tỷ lệ và giá trị tuyệt đối.
Là đơn vị luôn có cổ tức đều đặn cho cổ đông nhưng chỉ ở mức 5-10%, năm nay Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) nâng tỷ lệ chia thưởng lên 25%, cao nhất từ trước đến nay bao gồm 6% tiền mặt và 19% cổ phiếu.
Cụ thể, ngân hàng đã chia cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền mặt 6% cho cổ đông vào tháng 1 vừa qua. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 tới đây, HĐQT sẽ trình phương án phát hành 344,9 triệu cp, ứng với tỷ lệ 19% cho cổ đông hiện hữu, bao gồm 5% cổ tức đợt 2/2017 và 14% cổ phiếu thưởng. Thời gian MBB dự kiến thực hiện là quý II và III. Mức cổ tức ngân hàng đề ra cho năm 2018 tối thiểu là 11%.
36% là tỷ lệ dự kiến chia thưởng cho cổ đông của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Theo đó, ngân hàng sẽ trình cổ đông tại đại hội thường niên 2018 phương án dùng 265,3 tỷ đồng lợi nhuận sau trích lập các quỹ để trả cổ tức 5% cho cổ đông. Tiếp theo, ngân hàng cũng có kế hoạch chia thưởng cổ phiếu từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận để lại và thặng dư vốn cổ phần. Ngân hàng cho biết tính đến 31/12/2017 có nguồn trên có tổng giá trị 2.954 tỷ đồng và có thể được sử dụng 1 phần hoặc toàn bộ cho mục đích tăng vốn.
Thông tin từ truyền thông của VIB thì tỷ lệ thưởng cổ phiếu cho cổ đông bằng nguồn vốn chủ sở hữu có thể là 31%.
Hay với một ngân hàng hậu tái cơ cấu như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng có sự đổi khác trong năm nay. SCB vừa công bố nội dung tại liệu họp cổ đông thường niên 2018 dự kiến lấy khoảng 600 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận giữ lại để tăng vốn điều lệ, ứng với khối lượng phát hành 60 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,2% trên vốn điều lệ 14.295 tỷ đồng).
Như vậy, cổ tức năm nay của các ngân hàng đa phần là cổ phiếu chứ không phải tiền mặt. Thế nhưng, triển vọng ngành ngân hàng đang rất sáng cùng diễn biến giá cổ phiếu ngày càng tăng trên thị trường thì việc chia thưởng bằng cổ phiếu rõ ràng đem lại lợi ích nhiều hơn cho cổ đông và cũng giúp các ngân hàng đảm bảo hệ số CAR theo chuẩn Basel II.
Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng mạnh
Ngành ngân hàng đã trải qua năm 2017 rất thăng hoa cùng kết quả kinh doanh tăng mạnh và điều này được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong năm 2018. Những ngân hàng đã tổ chức đại hội cổ đông thương niên 2018 hay công bố tài liệu đại hội đều trưng ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trên 30%, thậm chí có đơn vị kỳ vọng sẽ đạt con số 50%.
Đứng đầu về kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận, Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) đặt chỉ tiêu tổng tài sản năm 2018 đạt 242.865 tỷ đồng (tăng 28%); tổng huy động 222.184 tỷ đồng (tăng 31,6%); tổng dư nợ 154.510 tỷ đồng (tăng 38%); lợi nhuận trước thuế 3.921 tỷ đồng (tăng 62%); các chỉ số sinh lời ROE sau thuế 20,2% và ROA sau thuế 1,3%.
Ở định hướng chung, kế hoạch giai đoạn 2017 – 2021, HDBank đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân 25% mỗi năm, tăng trưởng lợi nhuận 37%/năm, tổng tài sản tăng 2 lần, phục vụ 15 triệu khách hàng vào năm 2021.
Các chỉ tiêu trên đề ra trên cơ sở nền tảng vốn ngân hàng vừa tăng mạnh trong năm qua, sau các đợt phát hành cổ phần riêng lẻ, cũng như qua đợt IPO thu về 300 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, MBBank đánh giá triển vọng ngành ngân hàng 2018 cùng chất lượng tài sản và nguồn vốn ngày càng cải thiện, vận động cùng chiều với triển vọng tích cực của kinh tế vĩ mô. Theo đó, MBBank đề ra tham vọng năm 2018 đạt mức lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước, riêng ngân hàng mẹ là 6.500 tỷ đồng. Tổng tài sản mục tiêu tăng 11% lên 347.600 đồng, huy động vốn tăng 11% và dư nợ cho vay tăng 15%.
Giải pháp để đạt kế hoạch ngân hàng đề ra là đầu tư năng lực hạ tầng công nghệ, triển khai các dự án kinh doanh ngân hàng số, thí điểm mô hình giao dịch tự động, đầu tư cho nhận diện thương hiệu, tổ chức kinh doanh bán chéo giữa MBBank và các công ty trong tập đoàn chặt chẽ hơn.
Không kém cạnh, mục tiêu kinh doanh năm 2018 của VIB gồm lợi nhuận trước thuế 2.005 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2017; tổng tài sản đạt 150.231 tỷ đồng, tăng 22%; huy động vốn đạt 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22%; tăng trưởng tín dụng theo phê duyệt của NHNN và nợ xấu duy trì dưới mức 3%. VIB cho rằng bối cảnh vĩ mô 2018 được nhận định khả quan, đồng thời bước đà chuyển đổi đã tạo dựng sẽ giúp năm 2018 trở thành năm triển vọng để ngân hàng tiếp tục xây dựng quy mô và tăng cường chất lượng.
VPBank thì đề ra kế hoạch đưa lợi nhuận trước thuế cán mốc 10.800 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với năm trước. Tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ cấp tính dụng kỳ vọng có mức tăng trưởng từ 20% đến 30%.
Với VPBank, năm 2018 là một dấu mốc quan trọng trong giai đoạn chiến lược 2018-2022. Do vậy, ngân hàng đặt mục tiêu trong năm duy trì tăng trưởng chất lượng trên các phân khúc thị trường chủ đạo, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và quản trị rủi ro đáp ứng các yêu cầu phát triển chiến lược của ngân hàng số. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ tìm kiếm và lựa chọn các cơ hội kinh doanh mới để khai thác hiệu quả đầu tư cơ bản, tạo ra kênh thu nhập mới.
Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc cho biết mục tiêu hướng tới trong 5 năm tới của VPBank là 600.000-700.000 tỷ đồng tổng tài sản và 25.000-30.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Ngoài VPBank thì Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Tổng tài sản kế hoạch tăng 17%, lên 315.184 tỷ đồng; huy động vốn tăng 40% lên 246.318 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 18%, lên 213.582 tỷ đồng.
Techcombank cho biết năm 2018 sẽ đi sâu vào hình thành nhóm khách hàng theo mô hình hệ sinh thái – chuỗi giá trị, tập trung vào nhóm khách hàng hiệu quả ở từng phân khúc để thiết kế và cung cấp gói sản phẩm phù hợp nhằm tăng doanh thu trên mỗi khách hàng. Đồng thời, ngân hàng chuyển cấu trúc dư nợ từ bán buôn sang bán lẻ, tập trung cho vay ngắn hạn vốn lưu động và thúc đẩy các giao dịch liên quan đến tài trợ thương mại, quản lý dòng tiền cho khách hàng.