Trong Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm xung quanh hoạt động tín dụng đen vẫn diễn ra ở một số địa phương…
Ở giác độ là cơ quan quản lý về hoạt động tiền tệ, tín dụng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã trả lời bổ sung thêm về vấn đề này.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, qua nghiên cứu chúng tôi thấy, bản chất của tín dụng đen là hoạt động cho vay dân sự không qua các tổ chức tài chính tín dụng chính thức. Tín dụng đen hay tín dụng không chính thức thường phục vụ cho nhu cầu vay vốn rất nhanh, nóng và cần phải xử lý gấp về mặt thời gian nên các điều kiện cho vay rất nhanh gọn.
“Đặc biệt, lãi suất cho vay rất cao, dựa trên các thỏa thuận giữa các bên, không cần cam kết. Hoạt động tín dụng này chủ yếu cho vay dân sự, ngoài các tổ chức cho vay chính thức theo quy định của Luật. Và chủ yếu biểu hiện dưới hình thức như hụi, họ hoặc cho vay trực tiếp như cho vay nặng lãi.” – Thống đốc chia sẻ.
Về đối tượng đi vay tín dụng không chính thức, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thường là người có nhu cầu rất cấp bách về vốn để xử lý các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Một số vay để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc hoặc doanh nghiệp, người dân đến hạn trả nợ nhưng không có nguồn trả thì phải tiếp cận vốn tín dụng không chính thức.
Theo Thống đốc NHNN, ở giác độ quản lý tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc xử lý những vấn đề bức xúc về tín dụng đen trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Vừa qua, Chính phủ và NHNN đã có nhiều giải pháp, như đưa ra quy định lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực, trong đó, lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở mức ưu đãi; cùng với đó là các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn: Tạo điều kiện cho các TCTD chính thức cung ứng nguồn vốn cho vay, mở các chi nhánh, địa bàn hoạt động ở vùng sâu, vùng xa…
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thông qua các kênh cho vay như Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân đã phần nào giải quyết nhu cầu về tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp.
Nhưng người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng chia sẻ, trên thực tế còn một bộ phận doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn gấp. Trong khi với các TCTD cần phải có thời gian để thẩm định và cho vay, thực hiện quy định về phòng ngừa rủi ro… Chính vì vậy, thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đưa ra hàng loạt các giải pháp.
Thứ nhất, một mặt NHNN tạo điều kiện cho các ngân hàng như hệ thống Agribank, các quỹ tín dụng mở các chi nhánh, cung ứng các dịch vụ thanh toán, tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng qua hình thức ngân hàng lưu động, áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân.
Thứ hai, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô, các quỹ tín dụng nhân dân nâng cao chất lượng hoạt động để nâng cao chất lượng vốn vay.
Thứ ba, thực hiện tốt hơn nữa các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH, các chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách tốt hơn. Chỉ đạo các TCTD giải quyết, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thanh toán để giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
“Hoạt động tín dụng không chính thức đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chứ không chỉ có hệ thống ngân hàng. Ở đây có trách nhiệm của Bộ Công an, chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động này. Vì vậy, thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo và tới đây các Bộ, ngành sẽ tiếp tục phối hợp. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD để đảm bảo cung ứng vốn tốt hơn nữa cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, đối tượng người dân ở vùng sâu, vùng xa” – Thống đốc nhấn mạnh.