Hai nước đã hy vọng có thể tháo gỡ khúc mắc này trong chuyến thăm 4 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Nga, với trọng tâm bàn về hợp tác năng lượng và thương mại. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã thông báo việc hoãn hợp đồng khí đốt nói trên sau cuộc gặp gỡ với chủ tịch Trung Quốc tại điện Kremlin.
Theo World Street Journal, diễn biến này theo sau việc các cuộc thương lượng giữa ông Hồ và Thủ tướng Nga Vladimir Putin tối hôm 16/6 tại trụ sở Gazprom kết thúc, mà không có giải pháp nào được đưa ra.
Năm ngoái, công ty tinh lọc khí thiên nhiên lớn nhất thế giới Gazprom của Nga và công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đã đồng ý về nguyên tắc một hợp đồng cung cấp khí có trị giá lên tới 1.000 tỷ USD, thông qua đường ống dẫn vẫn còn nằm trên giấy có tên Altai vào năm 2015. Tuy nhiên, đàm phán bị đình trệ vì hai bên không thể thống nhất được về giá khí đốt, AP đưa tin. Matxcơva muốn áp theo mức giá tại châu Âu, nhưng Bắc Kinh cho rằng bất cứ mức giá nào ở lục địa này cũng rất cao.
Có một thực tế là các khách hàng châu Âu của Gazprom mua khí đốt theo các hợp đồng dài hạn thường trả tiền nhiều hơn so với giao dịch tương tự trên thị trường tự do. Trong khi đó, Trung Quốc, nước đang mua khí đốt qua các đường ống từ Turkmenistan và Kazakhstan đồng thời mua khí thiên nhiên hóa lỏng từ Australia và Yemen, lại muốn một mức giá thấp hơn nhiều.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong cuộc gặp hôm qua tại Điện Kremlin, Matxcơva. Ảnh: AFP |
Gazprom khẳng định việc xây dựng đường ống Altai để cung cấp khí thiên nhiên cho Trung Quốc sẽ bắt đầu vào giữa năm nay và hoàn tất vào năm 2015. Theo thỏa thuận khung được ký giữa hai bên vào năm 2009, công suất thiết kế của đường ống này là khoảng 70 tỷ mét khối khí tới Thượng Hải mỗi năm, tức là gần bằng một nửa con số 150 tỷ mét khối khí mà Nga xuất sang các nước châu Âu.
Dù không thể thỏa thuận được về bản hợp đồng mà hai bên đặt nhiều kỳ vọng, ông Medvedev và ông Hồ vẫn ca ngợi quan hệ hợp tác thương mại giữa hai quốc gia láng giềng rộng lớn. Tổng thống Nga cho hay thương mại song phương giữa hai nước đạt 60 tỷ USD năm ngoái, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Con số này được kỳ vọng tăng lên thành 200 tỷ USD vào năm 2020.
Cũng trong ngày hôm qua, phó Thủ tướng Nga Igor Sechin cho biết công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga là Rosneft sẽ đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô tới vùng đông bắc Trung Quốc, thông qua đường ống dài 4.000 km sẽ đi vào hoạt động trong năm nay, với công suất 15 triệu tấn dầu mỗi năm và có thể đạt mức tối đa lên tới 50 triệu tấn/năm. Ông Sechin còn cho hay Nga đã vận chuyển 12 triệu tấn than bằng đường biển tới Trung Quốc trong năm nay, Intefax đưa tin.
Nga hiện là nước cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước tiêu dùng năng lượng hàng đầu trên hành tinh sau khi vượt qua Mỹ năm 2009. Dù châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất của Nga, nhưng cả Bắc Kinh và Matxcơva đều đang tìm kiếm việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng và thị trường.
Các cuộc thương lượng về năng lượng trước đây giữa Nga và Trung Quốc thường bị gián đoạn vì những bất đồng liên quan tới giá cả, các điều khoản vay nợ và nhiều vấn đề khác.