Theo dữ liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố vào trung tuần tháng 7, chỉ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, Nga đã đột ngột bán đi phần lớn số trái phiếu Chính phủ Mỹ và không thuộc danh sách 33 chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, Nga hiện chỉ còn nắm giữ 14,9 tỉ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Theo hãng Reuters, các nhà phân tích tài chính Nga ủng hộ quyết định này của Ngân hàng Trung ương Nga. Chuyên gia Vladimir Rojankovski tại Trung tâm tài chính quốc tế ở Moscow cho biết, đường cong lợi suất của Kho bạc Mỹ đang bị nắn thẳng, là một dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái. Ông Rojankovski nhận xét: “Đường cong lợi nhuận của Kho bạc Mỹ đang thay đổi khiến chúng được đánh giá là ít hấp dẫn hơn trong việc lựa chọn các khoản đầu tư”.
Đường cong lợi suất thể hiện chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm. Đây được cho là công cụ dự báo khủng hoảng rất tốt. Cứ mỗi lần đường cong lợi suất bị thẳng dần ra (tức chênh lệch bằng 0), khủng hoảng xuất hiện. Đó là trường hợp của năm 1989, 2001, và 2007. Hiện nay, đường cong lợi suất đang là 0.27%, thấp hơn cả cuộc khủng hoảng năm 2008.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sự tăng giá của đồng USD (sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ- FED liên tục nâng lãi suất) có thể không bền vững dựa trên sự thâm hụt ngân sách và khối nợ của Mỹ ngày càng lớn. Đồng USD tăng giá nhanh đã gia tăng sức ép lên các thị trường mới nổi với những khoản nợ lớn bằng đồng tiền này, đồng thời đặt ra nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đến sớm hơn.
Ông Rojankovski ca ngợi động thái bán phần lớn trái phiếu chính phủ Mỹ của Nga nhằm đa dạng hóa dự trữ của mình nhưng đồng thời cảnh báo giá vàng có thể được điều chỉnh. “Trong trường hợp có sự suy giảm toàn cầu của các nhà đầu tư trong trái phiếu ở Kho bạc Mỹ, tôi hy vọng sự gia tăng hoạt động đầu cơ vào kim loại quý như vàng nhằm giảm sự tăng giá ảo về giá trị thị trường của vàng” – ông Rojankovski nói.
Theo quan điểm của nhà tư vấn tài chính Zhanna Kulakova tại TeleTrade, chính trị và kinh tế là hai lý do tác động đến quyết định của Ngân hàng Trung ương Nga. Bà Kulakova nhận xét: “Ngân hàng Trung ương có thể đã nghĩ rằng họ sẽ đóng băng số trái phiếu Mỹ mà họ nắm giữ do liên quan đến các căng thẳng địa chính trị. Bộ Tài chính Nga đã có sự điều tiết, được công bố vào mùa xuân năm nay rằng họ có kế hoạch đa dạng hóa dự trữ của mình”.
Vị nữ chuyên gia cho rằng, Ngân hàng trung ương Nga có thể tái đầu tư số tiền đó vào việc mua trái phiếu và vàng của Trung Quốc.“Vàng là tài sản hữu hình không thể khấu hao hết trong mọi trường hợp. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính hoặc chính trị toàn cầu, vàng cũng dễ bị biến động giá theo thời gian nhưng sẽ hữu ích hơn nhiều so với chứng khoán hoặc tiền mặt” – bà Kulakova cho biết.
Những chuyên gia về trái phiếu như Kevin Giddis của công ty Raymond James nói rằng vào tháng 5, nguồn cung trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài có sự gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung gia tăng này đến từ các cuộc phát hành trái phiếu quy mô lớn của Chính phủ Mỹ để bù đắp thâm hụt ngân sách do cắt giảm thuế và tăng chi tiêu, thay vì do Nga bán ra.
Việc Nga bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ gây tò mò, nhưng khối lượng mà họ nắm giữ, cùng với số lượng mà họ bán ra không phải là lớn đối với thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá hàng nghìn tỷ USD”, ông Giddis nói. “Tôi cho rằng, một phần nguyên nhân khiến Nga bán ra trái phiếu Mỹ là do kinh tế Nga bị trừng phạt, mặt khác do họ điều chỉnh danh mục đầu tư, và không có nhiều tác động đến thị trường. Nếu là Trung Quốc hay Nhật bán ra, thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.
Tính đến ngày 26/7, các chủ nợ lớn là các chính phủ nước ngoài nắm giữ 6,21 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, còn các nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân nắm 21,3 nghìn tỷ USD tài sản này.
Hồi tháng 4, Mỹ áp lệnh trừng phạt lên nhiều doanh nhân, doanh nghiệp và quan chức chính phủ của Nga nhằm đáp trả điều mà Washington cho là Moscow can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Trong số những nhân vật bị trừng phạt có tỷ phú ngành nhôm Oleg Deripaska và nghị sỹ Suleiman Kerimov.