“Sự vụ” khởi đầu bằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 1/3, trong cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp thép của Mỹ đã tuyên bố sẽ đánh thuế cao với mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Trong những động thái tiếp theo, chính quyền Mỹ cũng đã tạm thời dành “ưu ái” cho các đồng minh chiến lược vì lợi ích an ninh quốc gia như Liên minh châu Âu (EU), Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico, Hàn Quốc. Còn Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, dường như là “mục tiêu đầu tiên” của chính sách này.
Việc Trung Quốc không được Mỹ “đưa vào danh sách ưu tiên” có nguồn cơn của nó.
Ngay từ khi chính thức bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ; cho rằng Trung Quốc tiến hành những hoạt động thương mại không công bằng, như: Sử dụng những hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài để buộc các công ty chuyển giao công nghệ, áp đặt điều khoản không công bằng đối với các công ty Mỹ, hướng các khoản đầu tư ở Mỹ và các ngành công nghiệp chiến lược…
Ngày 23/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định áp dụng gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD nhằm vào các loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong đó, vấn đề sở hữu trí tuệ là một trong những lĩnh vực hàng đầu mà Mỹ đặc biệt quan tâm vì không ít lần Mỹ cho rằng các tập đoàn Trung Quốc “vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”…
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Mỹ cũng có những lệ thuộc nhất định vào Trung Quốc.
Báo Les Echos (Pháp) số ra mới đây đã nói tới 4 lĩnh vực kinh tế của Mỹ sẽ phải “chịu trận nếu nổ ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc”. Đó là các siêu thị và dây chuyền phân phối, ngành vải sợi, công nghệ cao, công nghiệp sản xuất đồ chơi…
Theo theo số liệu mà Les Echos trích dẫn, năm 2015, có tới 90% các loại đồ chơi bán ra trên thị trường Mỹ đều được sản xuất từ các nhà máy Trung Quốc. Tương tự là sản phẩm trong ngành vải sợi, quần áo, giày thể thao của những thương hiệu được người Mỹ ưa chuộng nhất đều “thấm mồ hôi của công nhân Trung Quốc”.
Một lĩnh vực khác mà Mỹ không thể không lo ngại đó là rác thải. Giữa năm 2017, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc gửi thông báo cho Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tuyên bố nước này có kế hoạch cấm nhập khẩu 24 loại vật liệu rắn là rác thải, bao gồm lon soda, giấy hỗn tạp, thép tái chế và giấy báo in.
Lo ngại lệnh cấm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Mỹ, ngày 23/3, đại diện Mỹ tại WTO hối thúc Trung Quốc xem xét lại quyết định nói trên.
Phát biểu tại Hội đồng Thương mại hàng hóa của WTO tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện của Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng việc thực thi lệnh trừng phạt cũng như thay đổi lại những biện pháp này theo cách phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế đã có về mua bán phế liệu. Lệnh hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc nhằm vào các vật liệu tái chế gây ra sự đứt gãy cơ bản trong các chuỗi cung cấp phế liệu toàn cầu.
Theo hãng thông tấn Reuters, Hiệp hội công nghiệp tái chế phế liệu của Mỹ cho rằng lệnh cấm của Trung Quốc sẽ gây tổn thất nghiêm trọng với ngành công nghiệp đã tạo ra 155.000 việc làm và từng xuất khẩu lượng phế liệu trị giá 5,6 tỷ USD sang Trung Quốc trong năm 2016…
Do vậy, ngoài những điểm có thể gây bất lợi cho Washington nói trên, ngay sau khi Mỹ công bố quyết định áp dụng gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đã ngay lập tức cảnh báo sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, gồm trái cây cho đến thịt lợn và các loại mặt hàng khác trị giá 3 tỷ USD.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn khẳng định rằng “Trung Quốc không mong muốn, nhưng không hề sợ hãi một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ”.
Trong cuộc điện đàm ngày 24/3 với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng đã khẳng định rằng Bắc Kinh “sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để bảo vệ lợi ích của mình”.
Theo ông Lưu Hạc, Mỹ là đã vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, một điều không hề có lợi cho Trung Quốc, Mỹ, cũng như toàn thế giới.
Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn bày tỏ hy vọng là hai bên sẽ “hành động theo lý trí và cùng nhau duy trì quan hệ thương mại song phương ổn định”.
Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ nhằm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc còn chờ Bộ Thương mại Mỹ có 15 ngày để lập danh sách chính xác các sản phẩm và các loại thuế sẽ áp dụng, nhưng rõ ràng những diễn biến nói trên dường như đã khơi mào cho một “cuộc chiến tranh thương mại” giữa hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2 thế giới mà sẽ không có người chiến thắng. Nền kinh tế, người lao động và người tiêu dùng của các bên sẽ bị ảnh hưởng. Không chỉ có vậy, thương mại toàn cầu cũng sẽ hứng chịu hậu quả.