Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và UBCK đã hợp tác khá hiệu quả trong 6 năm qua. Việc ký thoả thuận giữa hai bên là để khẳng định hiệu quả của chặng đường hợp tác vừa qua, cũng như đưa quan hệ hợp tác giữa hai bên đi vào chiều sâu hơn, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán đối với DN niêm yết, CTCK. Theo nội dung hợp tác, UBCK sẽ hỗ trợ đào tạo các kiểm toán viên là hội viên của VACPA về văn bản pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán. UBCK có thể có các báo cáo, đánh giá, nhận xét về hoạt động của các công ty kiểm toán (CTKT), tổng hợp các sai sót thường gặp của các CTKT, phổ biến những yêu cầu của UBCK về kiểm toán các DN niêm yết trong những năm tới, để CTKT kịp thời nắm bắt và thực hiện tốt. Ngược lại, VACPA sẵn sàng tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản pháp quy về chứng khoán mà UBCK chủ trì soạn thảo… Đặc biệt, hai bên sẽ chú trọng phối hợp kiểm tra, giám sát việc soát xét BCTC, đánh giá chất lượng của các kiểm toán viên, BCKT, BCTC của các tổ chức niêm yết.
Hai bên sẽ thúc đẩy việc sớm thực hiện soát xét BCTC theo quý nhằm nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin của DN niêm yết thay vì dừng lại ở soát xét bán niên như hiện nay?
Cách đây 2 năm, VACPA cùng với Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có công văn đề nghị UBCK và Bộ Tài chính yêu cầu DN thực hiện soát xét BCTC quý và bán niên. Tuy nhiên, qua phân tích, cơ quan quản lý nhận thấy nếu soát xét theo quý sẽ khiến lượng công việc tăng lên đột ngột đối với cả cơ quan quản lý, CTKT lẫn DN niêm yết, nên trước mắt chỉ thực hiện soát xét BCTC bán niên. Sau khi việc thực hiện soát xét BCTC bán niên dần trở nên quen thuộc, thì cần nghiên cứu để sớm tiến thêm một bước là thực hiện soát xét BCTC quý. Điều đó sẽ tốt hơn rất nhiều cho việc minh bạch thông tin tài chính thường kỳ và hàng năm của DN.
Việc khuyến khích DN thay đổi kỳ lập BCTC năm theo Luật Kế toán, thay vì hầu hết lập vào ngày 31/12 hàng năm như hiện nay, sẽ giúp sớm triển khai soát xét BCTC theo quý, thưa ông?
Đúng vậy, bởi hiện hầu hết DN lập BCTC năm vào ngày 31/12, trong khi đây là thời điểm DN phải hoàn tất rất nhiều công việc như: khoá sổ kế toán, đối chiếu công nợ, thanh quyết toán… dẫn đến quá tải cho không chỉ DN, mà cả kiểm toán viên và cơ quan quản lý. Thực tế, UBCK cũng bị rơi vào tình trạng quá tải trong quá trình nhận và nhắc nhở các DN chậm nộp BCTC theo hạn định, bởi số lượng DN niêm yết ngày càng nhiều. Nút thắt này cần được nhanh chóng tháo gỡ nếu muốn sớm triển khai hoạt động soát xét BCTC theo quý. Muốn vậy, Bộ Tài chính nên có chính sách khuyến khích DN thay đổi niên độ kế toán 12 tháng, bởi Luật Kế toán đã cho phép DN có thể lập BCTC năm vào 4 kỳ: 31/3, 30/6, 30/9, và 31/12.
Để đảm bảo thực hiện soát xét BCTC theo quý hiệu quả, công tác kế toán, lập BCTC phải được DN tiến hành đạt chất lượng, đảm bảo về thời gian. Cơ quan quản lý cũng cần sớm hoàn chỉnh các quy định về chế độ kế toán theo hướng đầy đủ, đồng bộ hơn. DN công bố BCKT có tác động đáng kể đến diễn biến TTCK. Trong khi đó, việc dồn dập công bố BCKT vào cuối năm, khiến nhiều thời điểm trong năm thị trường rơi vào trạng thái “đói” thông tin, còn cuối năm lại “bội thực”. Nếu thay đổi thời điểm lập BCTC năm, sẽ giúp cho việc kiểm toán, giám sát và công bố các báo cáo này diễn ra khắp trong năm, qua đó hỗ trợ tích cực cho TTCK, nhất là NĐT có cơ hội đa dạng kế hoạch tham gia thị trường mỗi khi tiếp cận được với BCKT.