Tính đến ngày 21.7.2011, theo thống kê của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thông tin Tài chính Việt (VietFIS), có 23 công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý II. Trong đó có 12 công ty lỗ và 11 công ty lãi. Đáng chú ý là 12 công ty này tổng cộng lỗ hơn 774 tỉ đồng trong khi doanh thu mới đạt xấp xỉ 660 tỉ đồng.
Lỗ nhiều nhất là Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) với gần 334 tỉ đồng. Kế đến là Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) lỗ 165 tỉ đồng và Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND) lỗ 87 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là trích lập dự phòng một khoản lớn cho các danh mục đầu tư.
Lỗ lớn do đầu tư tài chính
Trong 6 tháng đầu năm 2011, thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống khiến cho các khoản đầu tư tài chính của nhiều công ty chứng khoán tiếp tục lún sâu. Tính đến hết ngày 30.6.2011, VN-Index đã giảm hơn 11%, còn HNX-Index mất đi khoảng 34,4%.
Các cổ phiếu niêm yết cũng theo đó mà giảm mạnh giá trị. Chẳng hạn, cổ phiếu DIG (Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng) mất 55,3% giá trị, SBS mất hơn 70,5%, POM (Thép Pomina) cũng bốc hơi hơn 30,3%.
Chịu thiệt hại nhiều nhất là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khi lỗ từ cổ phiếu niêm yết hơn 394 tỉ đồng. Trong danh mục 6 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, có đến 5 mã giảm mạnh khiến SSI phải trích lập thêm 123,3 tỉ đồng trong quý II. VND và SHS lỗ từ khoản này lần lượt là 147,7 tỉ đồng và 146,1 tỉ đồng, buộc VND trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính ngắn hạn gần 180 tỉ đồng, còn SHS trích lập hơn 165 tỉ đồng.
Trong bối cảnh doanh thu bị giảm sút, việc chi phí tăng cao cũng khiến các công ty chứng khoán càng thêm khó khăn. VND cho rằng việc lỗ chủ yếu là do doanh thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động kinh doanh. Trong số hơn 145 tỉ đồng chi phí hoạt động kinh doanh của VND có hơn 73 tỉ đồng là chi phí sử dụng vốn.
Trong quý II, SHS chỉ đạt 57 tỉ đồng doanh thu nhưng tổng chi phí lên đến 390 tỉ đồng, trong đó chi phí hoạt động kinh doanh là 256 tỉ đồng và chi phí quản lý là 134 tỉ đồng.
Theo SHS, nguyên nhân đẩy chi phí quản lý tăng đột biến là do trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi đến 125 tỉ đồng. Rõ ràng, trong thời buổi khó khăn, các khoản phải thu của khách hàng và chi phí lãi vay đang là áp lực đè nặng lên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Phía sau các khoản lỗ
Dễ thấy rằng các công ty chứng khoán báo lãi trong quý II đều là những doanh nghiệp có lợi thế về vốn và ít đầu tư tài chính. Trong số này, lãi nhiều nhất là Chứng khoán Kim Long (KLS), Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) và Chứng khoán FPT (FPTS).
Theo báo cáo tài chính, đến cuối quý II, KLS có lượng tiền mặt gần 1.800 tỉ đồng, trong khi các mảng dịch vụ chứng khoán và đầu tư chỉ chiếm khoảng 10% nguồn thu. Đối với HSC, mặc dù không đầu tư tài chính quá tay và tập trung vào hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán nhưng nguồn thu khác lại chiếm tới 73% tổng nguồn thu.
Bên cạnh đó, Công ty còn nắm giữ 1.130 tỉ đồng tiền mặt. Do đó, lãi từ tiền gửi ngân hàng cũng đủ mang về khoản lợi nhuận khá lớn cho Công ty. Theo HSC, trong 73% doanh thu khác, doanh thu tài trợ vốn cho khách hàng chiếm 50-60%, còn lại là lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng.
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc HSC, cho biết: “Chưa bao giờ có đợt lãi suất cao và kéo dài như vừa qua. HSC chọn giải pháp đơn giản là dùng tiền mặt gửi ngân hàng để hưởng lãi suất, trong khi thị trường không có sản phẩm mới và thanh khoản èo uột. Chiến lược này của chúng tôi đến nay đã thành công”.
Con số 11 công ty lãi do VietFIS công bố chưa nói lên được nhiều điều. Tuy nhiên, nhìn vào mức lỗ hơn 774 tỉ đồng của 12 công ty, theo ông Giang, HSC, có thể thấy “đa phần các công ty chứng khoán chưa coi trọng hệ thống quản lý rủi ro”.
Việc quá chú tâm vào mảng tự doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao trong khi bỏ bê hoạt động chính là môi giới đang tạo ra nhiều hệ lụy. Đó là cuộc chiến giành giật thị phần trong khi chất lượng dịch vụ còn yếu và chưa chuyên nghiệp.
Điều này dễ đẩy công ty đến chỗ vung mạnh tay cho các khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng. Và khi thanh khoản thị trường sụt giảm như hiện nay, tình trạng “cháy” tài khoản hàng loạt khiến nhiều công ty lâm vào cảnh khốn khó.
Bên cạnh đó, thua lỗ nhiều và phải trích lập lớn cho các khoản đầu tư tài chính đã làm hao mòn nguồn vốn chủ sở hữu, lượng tiền mặt để hoạt động cũng cạn dần.
Trong giai đoạn lợi thế thuộc về các doanh nghiệp có nhiều tiền mặt, những công ty phải trích lập dự phòng nhiều sẽ càng khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh và giảm sút năng lực cạnh tranh.
Đây là lý do để ông Nguyễn Chí Công, Phó phòng Phân tích tại VietFIS, tin rằng: “Chỉ tiêu lợi nhuận được đưa ra hồi đầu năm cũng khó đạt được khi thời điểm phải kết sổ đã cận kề”.
Đến nay, số vốn ghi theo sổ sách kế toán từ các khoản đầu tư của những công ty này vẫn còn rất lớn. Chẳng hạn, đầu tư tài chính ngắn hạn đến cuối quý II của SSI là 1.784 tỉ đồng, SBS 5.234 tỉ đồng, VND 423.7 tỉ đồng.
Điều này cho thấy áp lực bán ra cổ phiếu trong các phiên thị trường tăng điểm từ các công ty chứng khoán đang còn rất lớn.