Tình hình tỷ giá trong gần 3 tháng đầu năm 2018 đã có biến động mạnh hơn so với cả năm 2017, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Có thể thấy, tình hình tỷ giá trong gần 3 tháng đầu năm 2018 có biến động nhiều hơn so với năm 2017, nhưng đáng mừng là những biến động vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nguyên nhân một phần bởi chính sách ngoại hối của NHNN được điều tiết khá hợp lý với cơ chế tỷ giá trung tâm dao động hàng ngày vẫn là công cụ rất hữu hiệu để quản lý thị trường ngoại tệ. Hơn nữa, NHNN đang có nguồn dự trữ ngoại hối lên tới khoảng 60 tỷ USD, đủ để can thiệp thị trường khi cần thiết. Không những thế, những biến động trên vẫn chưa đáng ngại do tình hình kinh tế trong và ngoài nước vẫn trong tầm kiểm soát. Kinh tế trong nước chưa vào giai đoạn nóng về tăng trưởng và XNK, đồng USD từng có giai đoạn mất giá, nên biến động không những chưa tạo áp lực lên tỷ giá mà còn hỗ trợ mạnh cho hoạt động XK. Đối với kinh tế thế giới, hiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa tăng lãi suất nên áp lực lên tỷ giá chưa đáng kể.
Tuy nhiên, tình hình trong nước hiện có yếu tố tác động lên tỷ giá, đẩy giá USD tăng lên là lạm phát đang có xu hướng tăng, nhu cầu vay vốn bằng đồng ngoại tệ vẫn cao khi NHNN tiếp tục gia hạn cho phép các ngân hàng thương mại cho các DN vay XK bằng USD để có lãi suất thấp, nhưng phải bán USD cho các ngân hàng thương mại; hoặc cũng có thể NHNN đang “mở van” tỷ giá để hỗ trợ cho hoạt động XK.
Trước biến động nêu trên, tình hình tỷ giá trong 9 tháng còn lại của năm 2018 sẽ như thế nào, thưa ông?
Theo tôi, tỷ giá trong năm nay có thể tăng từ 1-3%. Khoảng biến động rộng như vậy vì có nhiều ẩn số tác động trong tình hình kinh tế thế giới và tại Việt Nam. Trên thế giới, FED có thể tăng lãi suất tiền USD thêm vài lần nữa; những khủng hoảng quân sự, chính trị toàn cầu… sẽ tạo áp lực mạnh lên tiền đồng, vì giá trị USD tăng lên sẽ đẩy nhu cầu USD tăng tạo áp lực lên tỷ giá. Đặc biệt, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh chính sách bảo hộ mậu dịch, như việc ký tăng thuế nhôm thép NK vào Mỹ vừa qua để tìm cách bảo hộ nền kinh tế Mỹ càng khiến áp lực lên tỷ giá gia tăng.
Đối với tình hình trong nước, nếu năm nay phát triển GDP khả quan thì cả nước có thể phải tăng lượng NK, vì nhiều nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp phải NK, đẩy nhu cầu USD tăng tạo áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra, lạm phát có thể có xu hướng tăng lên do tăng trưởng cao, dù vẫn trong tầm kiểm soát nhưng ít nhiều cũng khiến tỷ giá tăng.
Nhiều ý kiến cho rằng tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định nhờ nguồn dự trữ ngoại hối lớn của NHNN, ông có đồng tình với quan điểm này?
Như tôi đã nói ở trên, tỷ giá năm 2018 có thể tăng 1-3%. Hơn nữa, nguồn dự trữ ngoại hối hiện nay của NHNN khoảng 60 tỷ USD chỉ có thể gọi là đủ, không thể gọi là con số lớn. Chúng ta không nên xem nguồn dự trữ 60 tỷ USD này là “cây đũa thần” có thể làm mọi việc trong điều hành tỷ giá. Bởi 60 tỷ USD chỉ ngấp nghé 3 tháng NK của Việt Nam. Trong khi theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế, các nước đủ dự trữ ngoại hối là đủ lượng ngoại hối cho 3 tháng NK. Việt Nam cũng đang ở mức này nên vẫn chưa nhiều lắm, nên chưa thể nói là dư thừa để giúp tỷ giá ổn định trước những biến động khó lường và khó dự báo của nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!