Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cùng với việc lãi suất trúng thầu giảm trên tất cả các kỳ hạn, 2 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ trái phiếu Chính phủ (TPCP) trúng thầu vẫn giữ được ở mức cao như tháng liền trước. Sự dồi dào về thanh khoản tại các ngân hàng thương mại đã tiếp tục hỗ trợ các phiên đấu thầu.
Điểm nhấn đáng chú ý là chính sách tài khóa đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, tỷ lệ nợ công có xu hướng giảm nhẹ trong năm 2017. Do đó, khối lượng vay nợ qua phát hành TPCP năm 2018 được kỳ vọng sẽ giữ ở mức tương đương năm 2017.
Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2018, kỳ hạn huy động TPCP chiếm tỷ trọng cao nhất trong tháng: kỳ hạn 10 năm (32,1%); 15 năm (21,4%). Trong đó, lãi suất trúng thầu bình quân tháng 2/2018 giảm trên tất cả các kỳ hạn: 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường TPCP (tính đến 28/2/2018) là 1.009.038 tỷ đồng, tương đương 20% GDP năm 2017, gấp 6,3 lần so với cuối năm 2009; Giá trị giao dịch bình quân phiên 2 tháng đầu năm 2018 là 10.500 tỷ đồng, tăng gấp 351 lần trong vòng 13 năm; Giao dịch Repo (mua đi bán lại trái phiếu, cổ phiếu) chiếm 53% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Ngày 28/2, phiên đấu thầu cuối cùng của tháng 2 đã ghi nhận khối lượng trúng thầu của TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành đạt mức 7.800 tỷ đồng, chiếm 77,88% tổng khối lượng trúng thầu của cả tháng.
Cả 4 kỳ hạn gọi thầu (5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm) đều đạt mức tối đa.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, năm 2017 có hàng chục phiên giao dịch với giá trị giao dịch đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên. Cũng trong năm 2017 giá trị giao dịch repo đã vượt lên, chiếm tới 49,24% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Đây là những thay đổi rất lớn trên thị trường TPCP, bởi TPCP phản ánh “sức khỏe” của nợ công. Khi kỳ hạn phát hành TPCP dài ra và lãi suất thấp đi cho thấy, việc phát hành TPCP đã trở nên an toàn, chuyển nợ ngắn hạn thành dài hạn có kết quả rõ rệt, thay cho tình hình đi “vay nóng” qua phát hành TPCP kỳ hạn ngắn như những năm trước…