Với kế hoạch này, có thể nhận thấy CII đã đặt chỉ tiêu doanh thu gấp 3 lần kết quả đạt được năm 2017, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lại giảm 25%.
Theo CII, việc đặt kế hoạch lợi nhuận sụt giảm bởi kể từ năm 2018, công ty sẽ không đặt nặng vấn đề tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn mà tập trung vào việc tạo ra chất lượng lợi nhuận và giá trị tài sản lâu dài cho công ty.
CII cho biết, với quy mô đầu tư hiện nay (khoảng 20.000 tỷ đồng) và danh mục dự án đầu tư đang triển khai mới (khoảng 20.000 tỷ đồng nữa) thì dự kiến đến năm 2020, tổng tài sản của CII sẽ đạt khoảng 40.000 tỷ đồng.
Theo đó, CII sẽ tập trung nắm giữ tài sản đã đầu tư để vận hành, khai thác thay vì đầu tư để chuyển nhượng hiện thực hóa lợi nhuận như hiện nay, nhằm tạo nguồn thu ổn định, lâu dài.
Việc đầu tư nắm giữ này sẽ làm cho lợi nhuận trong ngắn hạn có thể sụt giảm nhưng sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn, ổn định hơn cho công ty trong trung và dài hạn.
Về kế hoạch, CII sẽ tạm dừng phát triển thêm dự án mới để dồn sức quản lý, cung cấp tài chính cho các dự án đang triển khai, đưa các dự án về đích đúng tiến độ và giao cho ông Eric Francia (Eric) – Thành viên HĐQT CII, người dại điện vốn của Ayala làm Trưởng ban đổi mới.
Ông Eric là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Ayala, từng thực hiện việc đổi mới cho một Tập đoàn lớn của Philippines vào 10 năm trước. Ông này cho rằng, các vấn đề mà CII hiện nay đang cần đổi mới là lẽ thường tình do CII đã phát triển quá nóng trong những năm gần đây…
Tại Đại hội, HĐQT cũng dự kiến trình phương án trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 32% và từ năm 2019 trở đi, cổ tức sẽ được chi trả như đã từng thực hiện các năm trước đây, dao động từ 12% đến 20%/năm.
Mức chi trả cổ tức tối đa là 50% trên lợi nhuận sau thuế được phép chi trả, và mức chi trả cổ tức từng năm sẽ do Đại hội cổ đông quyết định.
Đáng chú ý, HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông việc tạm thời không chi trả cổ tức 21,5% của năm 2017 và giữ lại toàn bộ lợi nhuận nhằm phục vụ cho hoạt động đầu tư mới.
HĐQT CII lý giải do trong năm 2017, công ty tập trung nguồn vốn để đầu tư những dự án có quy mô lớn và tiềm năng phát triển tốt như dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án Thủ Thiêm, mở rộng Quốc lộ 60, xây dựng cao ốc 152 Điện Biên Phủ…việc cùng lúc đầu tư nhiều dự án trọng điểm trong thời gian ngắn đã tạo áp lực rất lớn đến nguồn tài chính của công ty.
Thêm vào đó, kể từ khi trở thành CII Holdings, lợi nhuận công ty mẹ và lợi nhuận hợp nhất thường có chênh lệch lớn.
Các công ty con thường chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức sau khi kết thúc năm tài chính. Do đó, lợi nhuận năm 2017 của các công ty con thường được chi trả về cho công ty mẹ trong năm 2018.
Trong khi nguồn chi trả cổ tức của năm 2017 thường dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của công ty mẹ. Vì vậy, nguồn để chi trả cổ tức của năm 2017 của CII là không đáng kể…
Trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu CII có 3 phiên giảm (-2,3%; -2,3%; – 0,5%) xen lẫn 2 phiên tăng 1,5% và 1,3%.
Chốt tuần, giảm từ 32.500 đồng xuống 31.750 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,3%, thanh khoản khớp lệnh dao động từ hơn 400.000 đến hơn 1,1 triệu đơn vị/phiên.