Trong 3 năm trở lại đây, cơ chế tín dụng đã linh hoạt hơn so với giai đoạn trước đó, với mức tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm 17-18%. Theo các nhà phân tích tài chính, năm 2018, tuy sức ép tăng trưởng tín dụng giảm, nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đưa ra vẫn ở mức 17-18% nhằm đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Để có thể đạt được mục tiêu trên, như thông lệ, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 cho từng ngân hàng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN giao cho các ngân hàng chỉ là 14%, thấp hơn so với mục tiêu chung của toàn ngành là 17% và thấp hơn khá nhiều so với con số của cùng kỳ các năm trước.
Thống kê cho thấy, tính đến đến hết tháng 6/2018, nhiều ngân hàng đã dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm, thậm chí có ngân hàng đã vượt room tín dụng được giao. Chẳng hạn, tăng tưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 của TPBank đã ở mức 16%, trong khi tại Vietcombank¸ Kienlongbank…, mức tăng trưởng đạt từ 9-12%.
Với thực tế này, các ngân hàng sẽ cần thêm room tín dụng nếu muốn đẩy mạnh cho vay trong 6 tháng còn lại của năm. Tuy nhiên, đến nay, NHNN chưa chấp thuận cho ngân hàng nào được nâng room.
Các chuyên gia kinh tế – tài chính nhận định, tăng trưởng tín dụng giảm tốc là do NHNN muốn kiểm soát chặt cung tiền M2 và cho vay mới trong bối cảnh lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy, NHNN sẽ khắt khe hơn trong việc cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng năm nay.
Trong khi đó, Thông tư số 19/2017 của NHNN có hiệu lực từ ngày 12/2/2018 yêu cầu tất cả ngân hàng phải giảm 25% vốn tự có cấp 2 (Tier 2 – là khoản vốn mà các ngân hàng phát hành cho nhau) trong năm 2018, sau đó là 50% trong năm 2019 và 100% vào năm 2021.
Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhiều ngân hàng đã sụt giảm nhanh chóng. Chẳng hạn, CAR của VietinBank từ mức 10% vào cuối năm 2017 đã giảm về 9,5% tính tới 31/3/2018; CAR của VPBank cũng giảm từ 14,6% xuống 13,2% tính tới 30/6/2018.
Hiện tại, câu chuyện nới room tín dụng có lẽ sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát chất lượng khoản vay của mỗi ngân hàng. Điều này có nghĩa là các ngân hàng sẽ phải tự quyết định cho vay bao nhiêu, cho ai vay và cho vay lĩnh vực nào, miễn sao đáp ứng được yêu cầu về CAR.
Khi đó, những ngân hàng có CAR thấp sẽ phải lựa chọn, hoặc giữ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, hoặc phải cho vay những ngành nghề có hệ số rủi ro thấp hơn so với các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… Đối với những ngân hàng đã cạn room tín dụng, NHNN sẽ dựa trên năng lực và quản trị rủi ro của từng ngân hàng để cấp thêm hạn mức.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, áp lực lạm phát năm nay mạnh hơn các năm trước do giá dầu, giá hàng hóa… tăng, chưa kể những yếu tố tác động bên ngoài như chiến tranh thương mại, chính sách bảo hộ mậu dịch… Do đó, việc đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là rất cần thiết trong lúc này, kể cả tăng tín dụng.