Vn-Index đã xuất sắc vượt qua đỉnh lịch sử 11 năm và nhanh chóng thiết lập vùng đỉnh mới. Dòng tiền hầu hết tập trung tại nhóm cổ phiếu dẫn dắt, đã đẩy định giá của nhóm này cao vượt trội, một trong số đó là cổ phiếu ngân hàng.
Tính từ thời điểm cuối năm 2017 đến hết quý I/2018, thị giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng được coi là cổ phiếu “vua” liên tục đạt mức tăng trưởng kỷ lục.
Tăng giá ồ ạt
Chính thức lên sàn từ tháng 1/2017 với mức giá khởi điểm là 17.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam hiện đã tăng lên 40.500 đồng/cổ phiếu tính đến hết quý I/2018, tương đương mức tăng 138,2%.
Chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm, cổ phiếu này cũng đã tăng tới 76%, dẫn đầu về sự tăng trưởng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Cũng có mức tăng trưởng trong ba tháng qua, tính tới ngày 30/3, BID ghi nhận mức tăng 70,1% từ mốc giá 25.500 đồng/cổ phiếu lên 43.400 đồng/cổ phiếu.
Tốc độ tăng trưởng của BID và VIB trong quý I/2018 đã đạt tới một nửa tốc độ tăng giá nỗ lực trong vòng cả năm 2017.
Hai tân binh là VPB và HDB cũng có mức tăng giá ấn tượng khi VPB tăng 60% lên 64.500 đồng/cổ phiếu, mới chào sàn tháng 1/2018 nhưng HDB cũng tăng 16% từ mức giá 39.600 đồng/cổ phiếu lên mức 45.600 đồng/cổ phiếu.
Không kém cạnh, chỉ trong vòng ba tháng, cổ phiếu CTG của Vietinbank cũng đã tăng gần 43% từ mốc giá 24.200 đồng/cổ phiếu (phiên 29/12) lên 34.600 đồng/cổ phiếu (phiên 30/3).
Đầu năm 2018, SHB vẫn là cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá với thị giá 8.650 đồng/cổ phiếu, tính đến phiên giao dịch ngày 30/3, cổ phiếu này đã đạt mức 12.900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng trưởng đạt 49,1%; NVB cũng tăng 37,5% chỉ trong ba tháng đầu năm.
Là ngân hàng mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng, cổ phiếu VCB của Vietcombank cũng ghi nhận mức tăng gần 30% chỉ trong ba tháng. Tại phiên giao dịch ngày 16/3, VCB gây chú ý khi lập đỉnh lịch sử sau gần 8 năm niêm yết với mốc giá 74.700 đồng/cổ phiếu.
Đóng góp vào tăng trưởng chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng còn có cổ phiếu_MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội khi tăng 39,5%, từ 24.870 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên 34.700 đồng/cổ phiếu (30/3).
Không tăng phi mã như nhóm ngân hàng lớn và vướng phải nhiều lùm xùm nhưng STB, EIB cũng vẫn theo kịp đà tăng của thị trường cũng như đà tăng của nhóm ngân hàng khi chỉ trong quý I, STB đã tăng 21%, EIB tăng 11%.
Chào sàn UPCoM vào đầu tháng 10/2017, cổ phiếu LBP đã có mức tăng tốt nhờ vào kết quả kinh doanh tích cực.
Lo ngại “bong bóng”
Theo một chuyên gia chứng khoán nhận định, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng có mức tăng trưởng rất tốt và là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Quý I/2018, không ít ngân hàng đã đưa ra thông tin lãi nghìn tỷ đồng, dù đây thường là quý có tăng trưởng dư nợ chậm nhất trong năm.
Mới đây, ông Lưu Trung Thái – Tổng Giám đốc MB, cho biết, quý I/2018, ước tính lợi nhuận trước thuế của MB tối thiểu đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ; HDBank cũng ước tính lợi nhuận quý I/2018 đạt khoảng 1.050 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ngân hàng khác như: LienVietPostBank, OCB, VIB cũng “ngấp nghé” công bố mức lợi nhuận lên tới vài trăm tỷ đồng.
Sự tăng trưởng trong kinh doanh là nhân tố chính khiến giá cổ phiếu tăng mạnh. Thế nhưng, theo các chuyên gia, chính việc tăng giá quá mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng lại chính là rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Việt Nam, thời gian qua, thị giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá nhanh, mức tăng có sự chênh lệch giữa các cổ phiếu.
Một số ngân hàng nhỏ nhờ lên sàn đúng thời điểm mà có giá cao hơn hẳn so với các ngân hàng lớn, có thâm niên niêm yết lâu hơn, kết quả kinh doanh tốt hơn. Đây là điều đáng lo ngại đối với cổ phiếu nhóm ngành này.
Có thể kể đến như HDBank khi chỉ mới lên sàn hồi đầu năm 2018 nhưng hiện thị giá của cổ phiếu này đã đạt 46.450 đồng/cổ phiếu, bỏ xa MBB với thị giá 36.600 đồng/cổ phiếu, tính đến phiên giao dịch ngày 6/4.
Đáng chú ý, tính đến hết quý I/2017, hệ số PE (giá cổ phiếu/thu nhập mỗi cổ phiếu) của nhóm cổ phiếu này hiện đã trở nên đắt, so với mức chung của thị trường. Có cổ phiếu đã đạt mức PE 27,9 lần là VCB; BID đạt 21,5 lần ACB đạt 23,9 lần, STB đạt 23,8 lần, EIB đạt 20,9 lần…
Đánh giá về cổ phiếu ngành ngân hàng, Ts. Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn tăng mạnh bất chấp những thiếu sót bộc lộ trong những tháng đầu năm là điều hoàn toàn không phù hợp với thị trường.
Các ngân hàng đua nhau đưa ra những con số ước tính nghìn tỷ đồng về lợi nhuận của mình, đã đẩy giá cổ phiếu tăng cao, tuy nhiên, con số này có chính xác hay không thì cần phải chờ kiểm toán.
Ngoài ra, trên BCTC của ngân hàng còn nhiều khoản mục chưa được thể hiện rõ ràng như: nợ xấu, các khoản phải thu, nợ tiềm ẩn…
Cổ phiếu ngành ngân hàng luôn được các chuyên gia đưa ra những nhận định khả quan, kỳ vọng. Tuy nhiên, trước diễn biến tăng nóng của thị trường, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng về những chính sách của ngân hàng trong tương lai.
Đơn cử như chính sách tăng vốn điều lệ có thể gây pha loãng cổ phiếu, EPS giảm và đẩy PE lên cao hơn, gây rủi ro cho tài khoản của nhà đầu tư.